(Dân trí) - Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Qua kiểm định hàng nghìn mẫu rau trên cả nước đã phát hiện tỷ lệ rau có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép chiếm khoảng 4-6%.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản.
Trả lời PV báo Dân trí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, cho biết: Hiện nay người tiêu dùng không có cơ hội trở thành "người tiêu dùng thông thái" vì họ không nhận diện được đâu là sản phẩm rau an toàn khi thị trường thật giả lẫn lộn.
100 kg rau bán trên thị trường chỉ có 4-6 kg không an toàn
Thưa ông, trong thời gian vừa qua rau không an toàn, trong đó có rau có nguồn gốc từ TQ được bán tràn lan trên thị trường, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
Tôi không có thông tin nói về rau TQ không an toàn tràn lan trên thị trường. Muốn đánh giá mức an toàn của sản phẩm chúng ta phải có phương pháp đánh giá khoa học. Chúng tôi đã áp dụng những phương pháp đánh giá rất khoa học. Hàng năm, chúng tôi đều lấy mẫu giám sát trên diện rộng từ rất nhiều tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái trong cả nước với số lượng đánh giá hàng nghìn mẫu thì mới đảm bảo chính xác. Kết quả lấy mẫu trên diện rộng trong khoảng 3-4 năm gần đây cho thấy tỷ lệ mẫu rau có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép chiếm khoảng 4-6%. Tỷ lệ này là tương đương so với Trung Quốc, Thái Lan hay các nước lân cận.
Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ, nơi có hệ thống quản lý VSATTP tốt hơn thì tỷ lệ này là tương đối cao. Chúng tôi không nói tỷ lệ này là tốt mà sẽ phấn đấu để nó tốt hơn. Nói rau không an toàn tràn lan trên thị trường là chưa phải vì thực tế trong 100kg rau bán trên thị trường chỉ có 4-6kg có khả năng mất an toàn.
Vấn đề rau không an toàn đã được đề cập đến nhiều nhưng dường như tình hình chưa mấy cải thiện. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Việc kiểm định chất lượng VSATTP với rau gần đây có cải thiện nhưng chưa rõ nét bởi vì vấn đề nhãn mác, thật giả lẫn lộn. Hiện nay chúng ta cũng có hệ thống kiểm định khá chặt chẽ. Theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt vi phạm VSATTP rất cao. Nhà sản xuất xếp loại C sẽ cho thời gian để khắc phục, nếu họ bị xếp loại C hai lần thì sẽ bị phạt và đề nghị cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép. Phạt tiền vi phạm VSATTP cao nhất là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Mặc dù các cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và phát hiện sai phạm nhưng vẫn chưa công bố công khai các đơn vị sai phạm nên chưa có tính răn đe và người tiêu dùng cũng hoang mang không biết làm thế nào để phân biệt đâu là sản phẩm rau không an toàn?
Đây là vấn đề chúng tôi đang phải nghiên cứu và cải tiến trong thời gian tới. Chúng ta phải đưa ra những quy định, những cơ chế chính sách để giúp những sản phẩm đưa ra thị trường có dấu hiệu nhận diện. Các sản phẩm chế biến đóng gói sẵn thường được đóng gói trong bao bì, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Nhưng với các sản phẩm tươi sống như rau, cá, tôm, thịt,… thì chưa có dấu hiệu nhận biết. Nhưng những sản phẩm này, đặc biệt là rau có giá trị khá thấp. Sắp tới nước ta sẽ tiến đến để rau ở Việt Nam không thể “rẻ như rau” được mà phải dần dần nâng giá trị lên.
Thứ nhất, chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ và quy đinh ràng buộc người sản xuất kinh doanh khi đưa sản phẩm ra thị trường phải có dấu hiệu trên sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Thứ hai, chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở theo cấp độ A, B, C và sẽ công khai nhà sản xuất nào xếp loại C. Trên sản phẩm của nhà sản xuất xếp loại C ít nhất phải ghi thông tin về nơi sản xuất để người tiêu dùng nhận biết và quyết định mua hay không mua sản phẩm đó. Đây là cơ chế để người tiêu dùng tự bảo vệ mình và họ cũng đóng góp vào làm động lực kích thích người sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Trên thực tế để thực hiện điều này thì tương đối khó với các sản phẩm tươi sống vì nguồn cung ứng khá đa dạng, nhiều sản phẩm tươi sống có giá trị không cao, nên nếu thêm các yêu cầu về nhãn hiệu nhận diện thì có thể sẽ đội giá thành sản phẩm. Điều này sẽ gây khó khăn cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng vì một mớ rau không có nhãn hiệu có giá 2.000 đồng, nhưng khi có nhãn hiệu sẽ có giá 2.500-3.000 đồng.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất kinh doanh thành lập các cơ sở sơ chế, đóng gói và có nhãn hiệu và được chứng nhận. Người tiêu dùng phải ủng hộ các sản phẩm ấy vì nó được đầu tư, sơ chế, đảm bảo an toàn và có nhãn hiệu rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc mặc dù giá có hơi cao hơn chút. Chỉ khi người tiêu dùng ủng hộ thì các sản phẩm này mới phát triển được. Khi những sản phẩm có nhãn hiệu phát triển thì các sản phẩm không có nhãn hiệu sẽ phải nhường chỗ cho sản phẩm có nhãn hiệu.
Hiện nay việc quản lý tại các chợ đầu mối rau ở Hà Nội còn khá lỏng lẻo và chưa đảm bảo chất lượng VSATTP. Sắp tới, các cơ quan quản lý sẽ phải làm gì để cải thiện tình hình trên?
Cốt lõi của vấn đề là mỗi sản phẩm đưa ra thị trường phải có dấu hiệu nhận diện để có thể nhận biết và truy xuất nguồn gốc khi có vấn đề vì sản phẩm đảm bảo VSATTP phải nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Có nghĩa là sản phẩm có thể mất an toàn ở bất kỳ khâu nào đó trong chuỗi, chứ không chỉ riêng ở chợ vì chợ chỉ là nơi người ta bán sản phẩm. Tất nhiên, ở chợ người bán rau sử dụng nước không đảm bảo để giữ tươi cho sản phẩm thì cũng không đảm bảo an toàn và các sản phẩm này chỉ xử lý được khi có dấu hiệu nhận diện.
Dấu hiệu nhận diện là công cụ để quản lý, công cụ tuyên truyền cho người tiêu dùng, công cụ để giúp người tiêu dùng trở thành những “người tiêu dùng thông thái”.
Hiện nay người tiêu dùng có nhận diện được gì đâu mà “thông thái”. Việc kiểm tra đánh giá phải công khai, trên sản phẩm phải có nhãn hiệu rõ ràng thì người tiêu dùng mới có cơ hội để nhận biết. Hiện nay đa số các sản phẩm rau ở nước ta không có dấu hiệu nhận diện nên cả người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cũng không thể nhận diện được. Khi rau có nhãn mác bị phát hiện không đảm bảo VSATTP thì các cơ quan quản lý có thể truy xét xem lỗi đó là của ai: người bày bán ở chợ hay người đóng gói hay người sản xuất, lỗi của ai người đó phải chịu.
Sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn
Hiện nay người nông dân bị sức ép về thu nhập nên nhiều người bất chấp những nguy cơ rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng nên họ làm mọi cách vì lợi nhuận như sử dụng nhiều thuốc BVTV hay thuốc kích thích tăng trưởng. Theo ông, làm thế nào để nâng cao nhận thức của người sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng?
Có hai vấn đề. Về nhận thức của người nông dân, trong thời gian vừa rồi chúng ta đã tuyên truyền và phổ biến kiến thức nên người ta cũng biết là việc sử dụng quá nhiều hóa chất không trong danh mục hoặc hóa chất độc hại sẽ gây mất ATTP. Nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp còn thấp nên người ta biết nhưng vẫn cứ làm vì lợi ích trước mắt. Với số lượng cơ sở sản xuất nhiều như hiện nay chúng ta phải có giải pháp quản lý thông minh vì không có sức người đâu để kiểm tra từng ông chủ rau được.
Do đó, cách chúng tôi tiếp cận là khuyến khích các cơ sở áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo VSATTP; hỗ trợ cho các cơ sở sơ chế, bao gói, tem nhãn và đưa sản phẩm ra thị trường và giúp quảng bá cho những sản phẩm đó.
Tôi kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm có mã nhận diện, tẩy chay những sản phẩm chưa có mã nhận diện. Chúng ta chưa thể áp dụng ngay biện pháp cấm các sản phẩm chưa có mã nhận diện vì hiện nay vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu và chưa có nhiều sản phẩm có mã nhận diện. Tôi nghĩ người tiêu dùng là động lực cuối cùng thúc đẩy việc này. Khi người tiêu dùng được tạo điều kiện ủng hộ những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng sẽ giải quyết được vấn đề. Mọi cái đều là vấn đề đòn bẩy kinh tế. Khi người tiêu dùng mua nhiều, doanh nghiệp sản xuất nhiều và người ta sẽ làm tử tế. Doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm, sẽ mua của nông dân nhiều và người dân bán được nhiều họ cũng sẽ làm tử tế. Người ta chỉ làm tử tế với điều kiện: Nhận thức đúng, có đạo đức nghề nghiệp và có lợi ích. Khi người sản xuất rau an toàn bán được nhiều hơn, có lợi ích hơn, giá tốt hơn thì những người khác sẽ học hỏi và làm theo vì người Việt Nam học hỏi rất nhanh.