Quy hoạch tổng thể quốc gia: Đừng ôm đồm, hạn chế phải điều chỉnh
(Dân trí) - Bàn về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có dự báo chính xác cao để tránh hệ lụy về sau hay tránh ôm đồm, chi tiết, hạn chế thấp nhất phải điều chỉnh.
Quy hoạch quốc gia không thể quá chi tiết
Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia được xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội khai mạc hôm 5/1. Sau 3 ngày làm việc, Quốc hội đã dành một phiên thảo luận tại tổ và toàn thể hội trường với hàng trăm ý kiến đáng chú ý về nội dung này.
Bàn về quy hoạch tổng thể quốc gia với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn.
Ông Tuấn cho rằng, quy hoạch cũng cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải những hệ lụy về sau. Khi dự báo tương đối chính xác, chúng ta sẽ có được những khung số liệu, nền tảng phục vụ cho việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp tương ứng với các định hướng, giải pháp phát triển đi kèm.
Theo dự thảo, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, phát triển. Trong đó, kịch bản thấp, với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% cho cả giai đoạn 2021-2030 và đạt 6,49% mỗi năm vào 2031-2050. Kịch bản cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7,05% một năm giai đoạn 2021 - 2030 và đạt 7,16% một năm trong giai đoạn 2031-2050.
"Nếu chúng ta không dự báo tốt về mức độ di dân đến các vùng kinh tế hoặc không có chính sách phát triển đồng bộ các vùng kinh tế đô thị vệ tinh, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về mật độ dân cư, kéo theo tắc nghẽn giao thông hay ngập úng đô thị trong tương lai", ông Tuấn cảnh báo.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia là một việc "chưa có tiền lệ", "rất khó" nhưng đây là cơ hội để xây dựng nước Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường.
Ví Quy hoạch tổng thể quốc gia như một người lính đi mở đường, tạo động lực phát triển, ông An nhấn mạnh đến yếu tố khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và phải tạo ra khả năng cho các cơ quan có thể giám sát và kiểm tra được quá trình thực hiện.
"Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc các định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành", ông An nhấn mạnh.
Cũng theo ông, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu, các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý, có thể ta gọi đó là "quy hoạch cứng".
Còn một số vấn đề mà chúng ta có thể xã hội hóa được, theo ông An, cần xác định là "quy hoạch mềm", tránh việc quá đi vào chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể, thậm chí lại thành bó khung lại.
Hạn chế thấp nhất điều chỉnh quy hoạch
Đồng tình với đại biểu Trịnh Xuân An, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà cần khái quát giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành và địa phương có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp.
Đại biểu Đồng muốn nhấn mạnh quan điểm quy hoạch cần ưu tiên cho không gian phát triển thay vì những con số quá cụ thể. Ông dẫn chứng, hồ sơ quy hoạch đề cập 2 kịch bản tăng trưởng.
"Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì rõ ràng cần chọn phương án tăng trưởng cao, nhưng nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch đến kinh tế - xã hội thời gian qua thì phương án đó e rằng tính khả thi không cao", ông Đồng lo ngại.
Theo vị đại biểu, quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia, cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Do vậy, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả thống nhất trên quy mô toàn quốc.
"Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao thì cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó", ông Đồng góp ý.
Vẫn còn ôm đồm?
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, vẫn thấy "có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng".
Theo bà, trong 6 vùng không gian phát triển nhưng sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau. "Có vẻ đây là sự liệt kê tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính, nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng", bà Nga băn khoăn.
Bà cũng cho rằng "sự ôm đồm một cách an toàn này lại khiến cho việc quy hoạch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, chưa đúng với quan điểm về tổ chức không gian phát triển được nêu ngay ở phần đầu bản quy hoạch là phát triển có trọng tâm, trọng điểm".
Bà Nga đề nghị có sự rà soát lại các sản phẩm du lịch chính của mỗi vùng theo hướng xác định những sản phẩm thực sự nổi trội, chứ không cần sự liệt kê triệt để và có phần còn lộn xộn tất cả các sản phẩm du lịch của các vùng.
"Còn cứ dàn trải đầy đủ, e rằng lại rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả và như vậy thì chúng ta lại không khắc phục được những hạn chế đang còn tồn tại", bà Nga lo ngại.
Bàn về giải pháp thực hiện quy hoạch, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, đến năm 2045 mục tiêu của Việt Nam là phát triển công nghiệp hiện đại và có thu nhập cao. Bây giờ chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá kỹ hơn những tiềm năng, tiềm lực của chúng ta để chúng ta phát huy.
Ông ví dụ như ngành công nghiệp, hiện nay trong mấy chục năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng manh nha được một nền công nghiệp Việt Nam và đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Có những thời kỳ chúng ta thấy ta tự hào là công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, nước Anh còn đặt chúng ta mấy con tàu. Nhưng trong quá trình quản lý, quản trị, đầu tư có thể là thực hiện chưa hiệu quả, một loạt các dự án chưa hiệu quả nhưng rõ ràng nó là tiền đề, là nội tại, nội lực của một nền công nghiệp Việt Nam", ông Hà nói.
Theo đại biểu, cần phải nghiên cứu, không vì như vậy mà chúng ta bỏ đó mà phải có một chiến lược xây dựng để làm sao phát huy từ nội tại của chúng ta để có một nền công nghiệp thực sự.