Năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó tính riêng vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, còn vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD.

Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường diễn ra sáng nay (5/1) đã đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước phấn đấu đạt bình quân khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8 - 8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD.

Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

Còn giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD.

Năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ hơn kế hoạch thực hiện cụ thể với hai kịch bản tăng trưởng (Ảnh: Quốc Chính).

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0,8 trở lên), đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Thẩm tra tờ trình, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Báo cáo quy hoạch đề xuất 2 kịch bản phát triển. Trong đó, kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,26%/năm giai đoạn 2021-2025, 6,34%/năm giai đoạn 2026-2030, 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,49%/năm giai đoạn 2031-2050.

Còn kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2021-2025, 7,48%/năm giai đoạn 2026-2030, 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

"Theo đó, kịch bản thứ nhất được coi là kịch bản thận trọng, trong khi kịch bản thứ hai đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch tránh việc xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư, cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung "kịch bản trung bình", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, kịch bản trung bình là tối ưu nhất giữa kịch bản thấp và kịch bản phấn đấu. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn kế hoạch thực hiện hai kịch bản nêu trên.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, báo cáo nêu dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) và đề xuất một số giải pháp cơ bản.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết các giải pháp này đang thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch.

Đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, theo Báo cáo quy hoạch "Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư". Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.