Quay cuồng tin tức mưa lũ, “zoom” cận bức tranh ngành thuỷ điện

(Dân trí) - Những tranh cãi về thuỷ điện nhiều thêm khi miền Trung vừa trải qua lũ lụt lịch sử. Các dự án có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, an toàn hạ du… hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch.

Quay cuồng tin tức mưa lũ, “zoom” cận bức tranh ngành thuỷ điện - 1

Thuỷ điện không bao giờ được phép xả ra lưu lượng lớn hơn khi lũ về

Bão số 8 áp sát, Bộ Công Thương chỉ đạo thuỷ điện ứng trực 24/24

Trước tình hình về bão số 8, Bộ Công Thương cho biết đã có công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và Ban Chỉ huy.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị tiếp tục công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện đang vận hành phát điện và các dự án thủy điện đang thi công xây dựng trên địa bàn các tỉnh chịu mưa lũ từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Đồng thời, các đơn vị thủy điện phải tổ chức ứng trực 24/24, kịp thời có biện pháp xử lý các tình huống sự cố do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại công trình và dân cư trong khu vực.

“Vận hành hồ chứa tuân thủ quy trình vận hành và chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh” - Bộ Công Thương yêu cầu.

Chuyên gia Thái Phụng Nê: Hồ thủy điện không được phép xả lớn hơn mức lũ về

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - ông Thái Phụng Nê - vị chuyên gia có cuộc đời gắn liền với nhiều công trình thủy điện lớn tại Việt Nam đã khẳng định với PV Dân Trí: Thuỷ điện không gây thêm lũ .

“Thuỷ điện có nhiều lợi ích, một trong những công dụng lớn của thuỷ điện ngoài việc khai thác năng lượng đó là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du” - ông Nê nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý về quy trình vận hành, có quy định rất nghiêm ngặt là dù hồ lớn hay nhỏ, không bao giờ được phép xả ra lưu lượng lớn hơn khi lũ về, tức mức nước xả lớn nhất chỉ bằng nước lũ đến.

Tuyệt đối không được tháo nước ra nhiều hơn nước tự nhiên. Người ta quan trắc thủy văn để tính toán lượng nước xả, nước mưa. Nếu làm đúng quy định, nguyên tắc thì không thể nào gây thêm lũ cả.

Một thời phát triển ồ ạt: Đã rà soát, loại bỏ được bao nhiêu thuỷ điện nhỏ?

Theo thông tin được ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cung cấp: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.

Theo thống kê hiện nay, các dự án thủy điện vừa và nhỏ bình quân chỉ chiếm khoảng 1,9 ha/01 MW đất các loại. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện từ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đang nghiên cứu đầu tư, đang thi công xây dựng đến các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để xem xét đưa vào quy hoạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, thời gian vừa qua Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

Ông Quân khẳng định, các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Doanh nghiệp thuỷ điện “ầm ầm” báo lãi quý 3

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thuỷ điện có niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 3 theo quy định.

Điểm đáng chú ý là quý 3 này, phần lớn doanh nghiệp thuỷ điện đều có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn sau khi gặp khó khăn trong quý 1 và quý 2.

Ví dụ, Công ty Thuỷ điện A Vương (AVC) báo doanh thu đạt 151 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng gấp 4,35 lần lên mức 73 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sông Ba (SBA) báo cáo đạt doanh thu thuần 73,4 tỷ đồng trong quý 3, tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Nguồn doanh thu này hoàn toàn đến từ mảng bán điện. Theo đó, lợi nhuận trước thuế SBA trong quý 3 đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng tới 498,7% so cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế tăng 525,4% lên 32,36 tỷ đồng.

Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) mới đây cũng công bố báo cáo tài chính quý 3 với doanh thu bán điện tăng mạnh 95% so với cùng kỳ, đạt 145,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 74% lên 62 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Trung (EVNCHP) trong quý 3 năm nay đạt 188,25 tỷ đồng doanh thu, tăng 63% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là CHP đã báo lãi trước thuế 59,14 tỷ đồng và lãi sau thuế 58,9 tỷ đồng so với mức lỗ gần 8,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.