Chuyên gia Thái Phụng Nê: Hồ thủy điện không được phép xả lớn hơn mức lũ về
(Dân trí) - Theo chuyên gia Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ), hiện có quy định rất nghiêm ngặt là dù hồ thủy điện lớn hay nhỏ, không bao giờ được phép xả ra lưu lượng lớn hơn mức nước lũ đến.
Đó là chia sẻ với phóng viên Báo Dân trí của nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - ông Thái Phụng Nê - vị chuyên gia có cuộc đời gắn liền với nhiều công trình thuỷ điện lớn tại Việt Nam.
Những thông tin về vận hành thủy điện thời gian gần đây thu hút mối quan tâm của đông đảo công chúng. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về chuyện xây hồ thủy điện, xả lũ. Vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào, vai trò của thuỷ điện ra sao, thưa ông?
- Thuỷ điện không gây thêm lũ. Thuỷ điện có nhiều lợi ích, một trong những công dụng lớn của thuỷ điện ngoài việc khai thác năng lượng đó là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du.
Trước đây khi chưa có hồ thuỷ điện Hoà Bình, nhiều vùng ở Hà Nội còn lo đắp đê, nhưng hiện nay thì đã ổn hơn rất nhiều. Nhưng không phải hồ thuỷ điện nào cũng có chức năng này, có những thuỷ điện nhỏ chỉ có chức năng phát điện.
Tuy nhiên, về quy trình vận hành, có quy định rất nghiêm ngặt là dù hồ lớn hay nhỏ, không bao giờ được phép xả ra lưu lượng lớn hơn khi lũ về, tức mức nước xả lớn nhất chỉ bằng nước lũ đến.
Tuyệt đối không được tháo nước ra nhiều hơn nước tự nhiên. Người ta quan trắc thủy văn để tính toán lượng nước xả, nước mưa. Nếu làm đúng quy định, nguyên tắc thì không thể nào gây thêm lũ cả.
Cũng phải kể thêm một số chức năng lớn khác của thuỷ điện đó là cấp nước cho nông nghiệp. Nếu để nước chảy hết ra biển thì lấy đâu nước trồng trọt.
Các hồ thuỷ điện cũng điều tiết nước để bảo vệ cho môi trường. Nếu không có sự điều tiết từ các hồ lớn thì các con sông sẽ khô cằn, ô nhiễm…
Vậy không hoàn toàn đúng khi nói thuỷ điện gây ra “lũ chồng lũ”, thưa ông?
- Thời điểm mưa nhiều, phía hạ lưu nước đang dâng ngập. Khi người ta thấy đang ngập rồi mà thuỷ điện lại xả nước ra thì người ta nghĩ “lũ chồng lũ”. Nhưng thực tế chủ hồ đâu có được xả lượng nước lớn hơn nước về hồ đâu. Nguyên tắc là như thế, đó là luật pháp. Nếu người ta thực hiện đúng, nghiêm thì không thể tạo thêm lũ được.
Những thuỷ điện lớn (trên 100MW) đều có sự chỉ đạo trực tiếp của nhà nước, só sự giám sát chặt chẽ của cơ quan, thực hiện đúng quy trình. Chúng không gây thiệt hại gì cả, thậm chí hiệu quả còn cao, là một dạng năng lượng tái tạo, thay thế được cho nhiệt điện.
Nếu có vấn đề này, vấn đề kia thì đó là ở khâu quy trình, làm đúng thì không có gì xảy ra cả. Nếu làm mà không có quản lý, làm ẩu, không tuân thủ theo điều kiện, quy định thì tất nhiên sẽ có hậu quả, sẽ gây tác động cho môi trường rất lớn.
Như ở vụ Rào Trăng vừa qua, tôi có một băn khoăn là tại sao lại cho phép làm thuỷ điện ở vị trí đứt gãy, đất đá mềm yếu, dễ xói lở như vậy. Vấn đề này cần được làm rõ.
Nhiều người cho rằng, thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái… Ông nghĩ như thế nào về mặt trái trong việc phát triển thuỷ điện và việc phát triển thuỷ điện nên như thế nào trong thời gian tới?
-Khi thiết kế các công trình thuỷ điện đều phải lập báo cáo tác động môi trường của dự án và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chuyện được, mất đều phải được cân đối rất kỹ lưỡng.
Báo cáo tác động môi trường cũng phải tuân thủ những yêu cầu hết sức ngặt nghèo. Đặc biệt diện tích rừng là vấn đề cần đặc biệt chú ý. Rừng để chống lũ, đảm bảo vấn đề sinh thái, hạn chế xói lở. Do vậy, cần phải xem xét thật kỹ đối với tất cả các dự án mà có liên quan đến đất rừng.
Về việc phát triển thuỷ điện nên như nào trong thời gian tới, tôi nhấn mạnh đến yếu tố “quản lý”. Đặc biệt đối với những thuỷ điện cỡ 100MW trở lên là phải quản lý thật chặt chẽ.
Hiện chúng ta đã phân cấp cho địa phương cấp phép, quản lý các thủy điện nhỏ dưới 30 MW. Vấn đề là ở chỗ nó nhỏ nên việc thiết kế, xây dựng, vận hành có thể có chuyện lỏng lẻo. Cần xem lại vấn đề phân cấp này để quản lý, vận hành cho thật tốt.
Thứ hai nữa, làm thì làm nhưng đừng có phá rừng, đừng có vi phạm những tiêu chuẩn kỹ thuật như xây thuỷ điện ở khu vực dễ xói lở, đứt gãy.
Ngay đối các thuỷ điện nhỏ và vừa, nếu làm cho nghiêm túc thì cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng tất nhiên không phải dự án nào cũng được làm tốt hơn, nghiêm túc hết. Nếu cứ tính lam ẩu để mà bán điện lấy tiền thì đáng phê phán.
Việc quy hoạch thuỷ điện nhỏ vừa cần được xem xét kỹ. Bây giờ cũng không phải có nguồn thay thế khác. Nên đã làm thì làm cẩn thận, hiệu quả, có sự quản lý rất chặt chẽ. Còn không thì sử dụng nguồn điện khác thay thế cho an toàn.
Làm thuỷ điện, nếu làm đúng không sao cả. Rất may là thuỷ điện cỡ lớn hơn 100MW mình làm hết rồi. Ở những hồ này, việc vận hành thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ…
Nhiều hồ thủy điện đã đầy, nếu bị vỡ thì sẽ là thảm họa. Ông nghĩ phương án vận hành như nào để đảm bảo an toàn?
- Tại sao lại vỡ, nếu làm đúng kỹ thuật, giám sát kỹ càng thì làm sao có chuyện đó được. Các hồ này đều có những thiết bị quan trắc thường xuyên, nếu thấy có vấn đề thì phải xử lý ngay, hạ mực nước xuống.
Khi xây dựng đập thủy điện, thế giới bao giờ cũng tính toán các phương án để đề phòng thảm họa, phòng tránh thiệt hại, người ta tính hệ số an toàn rất cao, nếu làm đúng thì không làm sao cả.
Đập mà có vấn đề thì là do thi công ẩu, không thực hiện theo điều kiện kỹ thuật, không thực hiện nghiêm chỉnh việc giám sát, xử lý kịp thời khi thấy có vấn đề.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!