Quảng Nam: Vùng rau trồng Tết thiệt hại nặng nề vì lũ muộn
(Dân trí) - Sau đợt mưa lũ vừa qua, hơn 50% diện tích vùng rau chuyên canh của người dân Đại Lộc (Quảng Nam) bị hư hại nặng. Đây là vụ rau người dân tròng để tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán nhưng nay gần như “trắng tay”, đành ngậm ngùi nhổ bỏ.
Sau cơn lũ dữ, cánh đồng rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) trở nên xác xơ, tiêu điều. Hàng chục ha đu đủ, bí, khổ qua, rau vừa xuống giống, một số diện tích vừa nảy mầm đã bị hư hại hoàn toàn.
Cả thôn Bàu Tròn có tới 300 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh và vùng lân cận, hộ trồng ít thì vài sào, hộ trồng nhiều có thể lên cả mẫu. Thời điểm xảy ra lũ, 100% hộ đã xuống giống, ai cũng hồ hởi mong ước một mùa bội thu bởi năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi, đã qua thời điểm “nhạy cảm” là 23/10 âm lịch.
Nhưng do tình trạng mưa lớn cộng với việc các thủy điện xả lũ, nước đột ngột về xuôi, ngoài những vùng rau màu mới xuống giống, một số diện tích đu đủ, rau các loại của bà con nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch cũng không kịp trở tay. Nhiều nông dân thiệt hại, mất trắng cả mấy chục triệu đồng tiền phân, giống...
Ông Lê Văn Nghĩa (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) đang xới lại sào đậu tây duy nhất còn lại của gia đình xót xa chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hết thảy 5 sào rau màu các loại, nhưng đợt lũ dữ vừa qua gần như cuốn phăng tất cả. Chỉ còn lại sào đậu tây này thôi, tuy nhiên hiện nay đậu cũng đang có dấu hiệu vàng lá và gốc đậu đang bị thối không biết phải làm sau. Cứ tưởng mùa này thắng lớn vì thời tiết có vẻ thuận lợi nhưng ai ngờ chỉ sau một trận lũ dữ đã khiến chúng tôi gần như trắng tay.
Vừa vui mừng xuống giống cách đây chưa lâu, bà Huỳnh Thị Bảy (xã Đại An, Đại Lộc) bần thần nhìn ruộng ớt, đậu nhà mình nói: “Chúng tôi cố gắng để qua thời điểm 23/10 âm lịch mới xuống giống để tránh rủi ro, nhưng đúng là họa vô đơn chí mà. Nếu biết trước thủy điện xả lũ thế này thì chúng tôi chẳng dại gì mà gieo trồng, giờ nhìn toàn bộ công sức mình bỏ ra bị cuốn phăng theo dòng nước lũ thấy đau lắm. Mọi năm làm gì có chuyện lũ muộn thế này, nông dân chúng tôi hết trông trời, trông đất bây giờ còn trông cả thủy điện nữa thì quá sức chịu đựng rồi. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, mẹ già yếu bệnh tật tất cả chi phí đều trông cậy vào đây nhưng bây giờ mất hết rồi”.
Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX Bàu Tròn - cho hay, bên cạnh thiệt hại, mất mát thì vấn đề khó khăn hiện nay là tình trạng khan hiếm giống cây trồng. Theo đó, không loại trừ việc đầu cơ, hét giá từ các chủ đại lý, đẩy nông dân vào cảnh khó khăn, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ sản xuất và cung ứng nông sản của bà con dịp tết này.
Theo thống kê, tổng thiệt hại rau màu vụ Tết của vùng rau Đại Lộc lên đến hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, Đại Hồng là xã có diện tích rau màu bị thiệt hại nhiều nhất với 200ha, Đại An 164ha, Đại Lãnh 110ha…
Ông Huỳnh Văn Tài (xã Đại Minh) cũng đứng ngồi không yên khi nhìn ra đồng rau. Vụ này, ông Tài xuống giống gần 5 sào ớt, bắp, đậu, khổ qua, chỉ tính tiền giống đã hàng chục triệu đồng, chưa kể phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Ông chua xót: “Cả tháng trời gieo ươm, chăm bẵm cây con, làm đất, xuống giống, giờ thế này đây. Cây con giống ngày càng đắt đỏ, nhiều loại giống cây trồng ngay từ đầu vụ đã khó kiếm rồi. Giờ hư hết trơn thì lấy giống ở đâu mà ươm, gieo trồng cho kịp vụ, chỗ có giống bán thì một số người đẩy giá lên cao để chèn ép chúng tôi. Không mua thì không có giống tiếp tục sản xuất, mà mua thì giá cao quá, thấy hoàn cảnh mình khốn đốn thế này mà họ cũng nỡ ép giá”.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, theo thống kê toàn huyện có hơn 1.000 ha rau, hoa màu bị hư hại. Thiệt hại nặng nề nhất là vùng trồng rau củ quả chủ lực phục vụ cho Tết Nguyên đán, nhất là thị trường Đà Nẵng, khiến nông dân thất thu nặng nề, gây mất ổn định nguồn cung ứng thực phẩm của địa phương bởi lâu nay Đại Lộc là vùng rau lớn của Đà Nẵng và vùng lân cận. Các vùng trồng bắp, ớt, đậu phụng của huyện cơ bản xuống giống hơn 50% cũng thiệt hại nặng.
Làng rau Bàu Tròn bị thiệt hại nặng
Huyện Đại Lộc đã có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ giống và vật tư phục vụ sản xuất để phục vụ sản xuất giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp tục sản xuất.
N.Linh - C.Bính