1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định: Thấp thỏm mùa hoa cúc Tết

(Dân trí) - Thời tiết “đỏng đảnh” khiến người trồng hoa cúc Tết ở tỉnh Bình Định vừa làm vừa lo, không biết ông trời có cho ăn, chứ như năm ngoái nhiều người ôm nợ…

Đến hẹn lại lo…

Đang là thời điểm cây cúc tạo búp, người trồng cúc Tết nổi tiếng ở làng cúc Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn), Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) và làng cúc lâu năm bên bắc sông Hà Thanh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) tất bật vào vụ chuẩn bị mùa cúc Tết.

Thế nhưng, người trồng cúc như ngồi trên đống lửa, bởi cây cúc là loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu”. Nắng quá thì cây không mướt lá, bông úa không đẹp; mưa nhiều thì cây cúc bị úng nước, dập thân, sâu bệnh nhiều, không phát triển nổi.

Người trồng cúc ở tỉnh Bình Định đang tất bật vào vụ cúc Tết 2017
Người trồng cúc ở tỉnh Bình Định đang tất bật vào vụ cúc Tết 2017

Mùa cúc Tết năm nay, tại làng hoa ở khu vực Vĩnh Liêm (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) có 40 hộ trồng cúc với khoảng 20.000 chậu. Người trồng ít cũng được 250 chậu, người trồng nhiều đến 1.500 - 1.600 chậu, tập trung tại gò Rộng (thuộc tổ 7, tổ 8, khu vực Vĩnh Liêm), gò Ống (khu vực Liêm Trực).

Theo những người trồng cúc, do năm nay thời tiết ít mưa, đến tận tháng 9 âm lịch rồi mà chẳng thấy mưa. Thế nhưng, đùng một cái, mưa lũ kéo dài bất thường đầu tháng 10 âm lịch (cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch) làm cây cúc bị rũ lá, màu vàng trở lại khiến không ít nhà vườn thấp thỏm lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn) trồng 200 chậu cúc Tết đang đứng ngồi không yên bởi tính “đỏng đảnh” của ông trời.

“Đợt mưa lũ vừa qua kéo dài dầm dề kèm theo gió lớn đánh dập những cành cúc còn non yếu, cúc đang màu xanh mơn mởn chuyển sang vàng úa, một số chậu bị chết. Thời tiết nắng mưa thất thường kiểu này cây cúc còn phải đối mặt với nhiều bệnh khác, không biết có trụ nổi để bán Tết không”- ông Lộc lo lắng.

Cúc là cây nắng không ưa, mưa không chịu khiến người trồng cúc luôn thấp thỏm lo lắng (trong ảnh một số chậu cúc bị mưa nhiều gây vàng lá)
Cúc là cây "nắng không ưa, mưa không chịu" khiến người trồng cúc luôn thấp thỏm lo lắng (trong ảnh một số chậu cúc bị mưa nhiều gây vàng lá)

Kinh nghiệm trồng cúc Tết lâu năm nhưng ông Trần Hữu Văn (56 tuổi, ngụ phường Bình Định, thị xã An Nhơn) cũng bất lực trước diễn biến bất thường của thời tiết.

“Năm ngoái, sau đợt mưa lớn kéo dài, hết mưa nắng gắt lại ùa về khiến hơn 1.000 chậu cúc lớn nhỏ bị úng nước, tuột hết lá chân, đành bán rẻ gỡ lại vốn nhưng cũng chẳng ai thèm mua. Chậu cúc muốn bán được tiền, ngoài bông to đẹp thì lá phải bao kín chân chậu. Bán đổ bán tháo, cuối vụ tổng kết lỗ cả 100 triệu đồng” - ông Văn nhớ lại.

Tỉ mẩn nghề trồng cúc Tết

Theo kinh nghiệm của người trồng cúc ở Bình Định, thời điểm cúc đơm nụ, là thời điểm quyết định thắng lợi của vụ cúc Tết. Cho nên, các nhà vườn tất bật 24/24 giờ ăn ngủ trên những cánh đồng, họ tỉ mẩn chăm sóc từng chậu hoa với hy vọng vụ hoa xuân rực rỡ. Đặc biệt, để cúc nở rực rỡ đúng dịp Tết thì hiện nay, người trồng cúc ở Bình Định can thiệp bằng cách thắp đèn điện để hãm không cho cúc ra hoa sớm.

“Thắp đèn để cây cúc không ngủ sẽ giúp cây nhanh phát triển lấy chiều cao, thân thẳng. Đến thời kỳ cúc chuẩn bị đơm nụ thì ngắt điện để cúc ngủ lấy sức nuôi bông. Thế nhưng, không phải ai cũng căn chính xác thời gian để cúc nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, nếu trong quãng thời gian gần tết gặp đợt lạnh bất thường thì coi như thất bại, bởi cúc sẽ bị “điếc”, không ra hoa” - ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Nghề trồng cúc rất tỉ mẩn, công phu để có chậu cúc đẹp trưng bày những ngày Tết cổ truyền
Nghề trồng cúc rất tỉ mẩn, công phu để có chậu cúc đẹp trưng bày những ngày Tết cổ truyền

Tại làng hoa bắc sông Hà Thanh (thuộc khu vực 9, phường Đống Đa, TP Quy Quy Nhơn) có khoảng trên 40 hộ trồng cúc với khoảng 30.000 - 40.000 chậu. Nhưng theo người trồng cúc Tết ở đây, khác với người trồng cúc ở các huyện, người trồng cúc ở TP Quy Nhơn chú trọng đến hình thức chậu cúc nên có lẽ chăm chút tỉ mẩn hơn.

Với hơn 1.000 chậu cúc bán dịp Tết, anh Nguyễn Văn Trung (34 tuổi, phường Đống Đa) cho biết: “Cúc Quy Nhơn khác cúc ở các huyện chủ yếu là dáng, thường cúc ở một số nhà vườn ở các huyện đưa về phố bán dịp Tết, hầu hết cây hoa trong chậu cao bằng nhau như một mặt phẳng trông ít đẹp hơn.

Riêng cúc Quy Nhơn thường tạo dáng làm sao khi lên chậu hoa bán sẽ có hình chóp nón hay hình vòm như chiếc bánh bao trông khá đẹp mắt được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, để có chậu bông đẹp để người dân trưng bày những ngày Tết không hề đơn giản. Từ khâu chăm sóc hoa đến công đoạn cuối cùng người cắm hom giữ từng cây hoa ngay thẳng trong chậu đòi hỏi phải có năng khiếu, tỉ mẩn từng li từng tí”.

Làm nhà trong đèn cho cúc phát triển tốt
Làm nhà trong đèn cho cúc phát triển tốt

Anh Trung chia sẻ thêm: “Nhìn thì có vẻ nghề trồng cúc Tết thấy bình thường nhưng khi vào làm rồi mới biết vất vả và công phu. Từ ngày xuống giống đến lúc có 1 chậu hoa cúc bán phải cả 5 tháng trời ròng rã, mất ăn mất ngủ. Gần như 24/24 tiếng cặm cụi ngoài vườn, dựng lán trại ngủ luôn ngoài đồng để canh chừng. Khổ lắm! mỗi vụ đầu tư cả 150 triệu đồng trồng cúc nhưng năm nào ông trời thương thì kiếm chút lời, còn không thương thì nắng mưa thất thường, nhất là lũ lụt thì coi như trắng tay…”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm