Quản lý kinh tế không nên theo kiểu: Giật một cái, nhả một cái!

(Dân trí) - “Nếu không đạt chỉ tiêu tăng trưởng thì lại xuất hiện các chính sách kích cầu như: tín dụng, hạ lãi suất… để hỗ trợ tăng trưởng đúng mục tiêu. Cứ như vậy hết năm nền kinh tế vẫn đạt các chỉ tiêu, tất cả đều vỗ tay. Quản lý kinh tế kiểu thỉnh thoảng giật một cái, rồi nhả một cái không tuân theo cơ chế thị trường thì sao chúng ta tìm ra được nguyên nhân và đánh giá khách quan được”

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Kinh tế 6 tháng đầu năm vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7.

Không tăng trưởng ảo, không kích cầu ngắn hạn.

Trước tình hình GDP tăng trưởng 6 tháng qua không đạt chỉ tiêu đề ra, lo ngại tốc độ tăng GDP cả năm không đạt được yêu cầu, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định: "Trong mấy năm vừa rồi tăng trưởng hay việc xử lý vấn đề lạm phát không phải do cầu kéo hay chi phí đẩy mà chính là do chính sách quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước khi điều tiết thị trường bằng các công cụ phi thị trường như chính sách lãi suất, tỷ giá...".

Việt Nam đang ra biển lớn, sân chơi lớn do đó, áp lực nội tại và ngoại sinh yêu cầu cần có cải cách nhanh hơn, đột phá hơn về thể chế kinh tế
Việt Nam đang ra biển lớn, sân chơi lớn do đó, áp lực nội tại và ngoại sinh yêu cầu cần có cải cách nhanh hơn, đột phá hơn về thể chế kinh tế

“Việt Nam đang duy trì tăng trưởng theo mục tiêu, chỉ tiêu. Nhưng nếu không đạt lại xuất hiện các chính sách để phục vụ cho tăng trưởng (tăng tín dụng, hạ lãi suất…). Cứ như vậy hết năm nền kinh tế vẫn đạt các chỉ tiêu, tất cả đều vỗ tay. Quản lý kinh tế kiểu thỉnh thoảng giật một cái, rồi nhả một cái không tuân theo cơ chế thị trường thì sao chúng ta tìm ra được nguyên nhân và đánh giá khách quan được”, TS Cung nói.

“Trong điều hành chính sách vĩ mô của Việt Nam, cần cải cách theo hướng tuân thủ các quy luật thị trường và tôn trọng nó để có hướng xử lý thích đáng. Cơ quan quản lý không nên can thiệp quá mức vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, bằng chính sách ngắn hạn khiến diễn biến thị trường méo mó. Tăng trưởng như thế không những không tại giá trị gia tăng mà còn tiềm ẩn hệ quả xấu cho nền kinh tế như: nợ xấu, thói quen trong quản lý kinh tế”, ông Cung nêu quan điểm.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung: “Chính phủ cần sẵn sàng đối diện với áp lực thực tế để tìm ra những cách thức quản lý mới, gia tốc mới, trong đó mắt xích quan trọng nhất để có tăng trưởng là sự thay đổi là từ cơ quan quản lý, vấn đề này nói nhiều năm rồi. Cần thức tỉnh bộ máy, tạo động lực nội sinh, phải làm sao cơ quan Nhà nước phải thay đổi đúng với tinh thần chuyển từ Nhà nước quản lý hành chính sang sáng tạo và phát triển”.

Bỏ thói quen xấu: bốc một bài thuốc cho nhiều loại bệnh

Đồng quan điểm với TS Cung, GS -TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho hay: Tái cơ cấu hô hào 5 năm qua, nhưng chưa thực hiện được. Chúng ta có kế hoạch nhưng tổ chức thực hiện cho đúng, sát sao là chưa ai đi đến đầu đến đũa.

“Tôi cũng đồng ý là không nên điều chỉnh và kiến nghị nếu tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu năm nay đi nữa thì cũng là chuyện bình thường bởi xu hướng kinh tế thế giới tăng chậm, Việt Nam không thể một chợ được, tăng trưởng cao khi sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính để tăng GDP bằng mọi giá. Bản chất hiện nay các DN không phải thiếu vốn mà thiếu động lực tăng trưởng, khu vực DNNN chậm cải thiện, kìm hãm các nguồn lực phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân bị méo mó, khó khăn... Nếu cứ không đạt mục tiêu tăng trường chúng ta lại hạ chỉ tiêu thì sao có tìm ra nguyên nhân, đâu có động lực và yêu cầu cải cách nữa". GS Thái cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, cái mà DN cần, nền kinh tế đang cần là động lực, là môi trường tạo ra tăng trưởng, Việt Nam mới nói mà chưa làm được. “Khoảng cách giữa ý chí của Chính phủ, Nhà nước xuống các Bộ, địa phương và ngành còn quá xa vời. Làm sao để các cơ quan công quyền thực sự có phản ứng thay đổi hành vi thúc đẩy cải cách? Làm sao để gây áp lực cho họ là phải tạo ra động lực tăng trưởng từ môi trường, từ thể chế kinh tế và bộ máy hiên nay. Chúng ta còn khó hơn nhiều các nước khác”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) bình luận: “Cần thay đổi tư duy tiếp cận vấn đề, nhiều năm qua chúng ta nhận diện không đúng bản chất tăng trưởng nên “bốc thuốc” không đúng, ngựa quen đường cũ. Khi chúng ta bị bất ổn, khó khăn, chúng ta đều dựa vào “bài thuốc” đó và bao năm qua, vẫn cứ bốc mãi 1 bài thuốc cho mọi loại bệnh. Nếu nhờn thuốc rồi mà vẫn sử dụng bài thuốc cũ thì không hiệu quả”, TS Hồ phân tích.

Nguyễn Tuyền