1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quản lý khu công nghiệp như … chợ làng

(Dân trí) - Những lùm xùm tại khu công nghiệp thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc chủ đầu tư và doanh không thống nhất về phí sử dụng cơ sở hạ tầng, theo đó “doạ” cắt điện, nước, dừng cung cấp dịch vụ xử lý nước thải, đổ đất đá bít cổng doanh nghiệp thậm chí doạ kiến nghị rút giấy chứng nhận đầu tư…


Nhiều khu công nghiệp vẫn đang gây ô nhiễm nặng cho môi trường (Ảnh minh họa)

Nhiều khu công nghiệp vẫn đang gây ô nhiễm nặng cho môi trường (Ảnh minh họa)

Tính đến tháng 5/2016, cả nước có 312 Khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 87,9 nghìn ha trong đó, 219 KCN đã đi vào hoạt động, các KCN còn lại đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 28,5 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt gần 70%.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình phát triển của KCN Việt Nam thời gian vừa qua cũng tồn tại một số hạn chế như, trong công tác chuẩn bị cho sự hình thành các KCN còn thiếu cán bộ quản lý có năng lực.

Bên cạnh đó, khung pháp lý còn những bất cập, quản lý nhà nước tuy đã có chuyển biến nhưng còn lúng túng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển các KCN và đời sống dân sinh. Chính sách phát triển KCN nhằm tạo môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp chậm được đổi mới.

Thực tế, thời gian vừa qua có không ít những lùm xùm tại các KCN ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), làm xấu môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành.

Thay vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, những lùm xùm tại KCN chủ yếu xuất phát từ việc chủ đầu tư và doanh nghiệp hoạt động tại KCN không thống nhất về phí sử dụng cơ sở hạ tầng dẫn tới cách hành xử và quản lý như "chợ làng": Cắt điện, nước, dừng cung cấp dịch vụ xử lý nước thải, đổ đất đá bít cổng doanh nghiệp thậm chí doạ kiến nghị rút giấy chứng nhận đầu tư, thanh lý hợp đồng.

Gây khó nhà đầu tư, doạ cắt điện, nước

Một ví dụ cho tình trạng trên như tại KCN Nam Thăng Long, CTCP Đầu tư Minh Hoà- doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại van vòi, vật tư linh kiện ngành nước đã hoạt động tại đây hơn 10 năm. Năm 2004, công ty này đã tự liên hệ với Điện lực Từ Liêm, công ty nước sạch Từ Liêm và một loạt các nhà cung cấp khác để được cấp điện, nước sạch thay vì trông chờ sự hỗ trợ của CTCP Phát triển hạ tầng – Hiệp hội Công Thương Hà Nội, chủ đầu tư KCN Nam Thăng Long.


Tại KCN Nam Thăng Long, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi làm trạm biến áp mới

Tại KCN Nam Thăng Long, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi làm trạm biến áp mới

Thời điểm ngày 17/7 vừa qua, trạm biến áp của công ty Minh Hoà trong khuôn viên nhà máy gặp sự cố tràn dầu, gây mất điện và làm gián đoạn sản xuất. Vì thế, công ty đã quyết định lắp đặt một trạm biến áp mới với công suất lớn hơn, ở vị trí khác với vị trí hiện nay, nhưng vẫn nằm trong khuôn viên.

Minh Hoà đã làm việc với Điện lực Bắc Từ Liêm, sau đó đưa ra phương án ung cấp dây nối đảm bảo đấu nối theo đúng tiêu chuẩn của ngành điện từ cột điện cao thế trong cụm công nghiệp đến trạm biến áp mới của công ty.

Tuy nhiên, trong quá trình Điện lực Bắc Từ Liêm thi công, CTCP Phát triển hạ tầng – Hiệp hội Công Thương Hà Nội đã cho người ngăn cản, yêu cầu ngừng thi công khiến dây điện phải treo lơ lửng tại tường rào của công ty, trên cột điện cao áp, đầu dây chờ đấu nối còn nguyên.

Theo lý giải của CTCP Phát triển hạ tầng, hợp đồng thuế đất được ký giữa 2 bên từ năm 2004, công ty Minh Hoà đã không nộp phí quản lý. Trong khi, phía Minh Hoà cho biết, tại hợp đồng thuê đất được ký ngày 29/9/2004 không có điều khoản đề cập việc thu phí, 2 bên sau đó (ngày 30/12/2011) đã ký phụ lục hợp đồng, Minh Hoà đã thanh toán cho CTCP Phát triển hạ tầng hơn 144,8 triệu đồng phí quản lý trong 2 năm. Công ty Minh Hoà cũng có công văn yêu cầu cụ thể hoá các khoản chi phí trên cơ sở khối lượng và đơn giá cụ thể nhưng cho đến thời điểm này công ty chưa nhận được phản hồi.

Như vậy, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất tại KCN, phía công ty quản lý lại làm khó, ngăn cản, hăm dọa công nhân của Điện lực Bắc Từ Liêm.

“Phải nói thêm rằng, các lĩnh vực quản lý về điện, đất đai, đầu tư là thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nhà nước, nằm ngoài mối quan hệ giữa CTCP Phát triển hạ tầng và CTCP Đầu tư Minh Hoà”, Giám đốc Công ty Minh Hoà cho hay.

Phía CTCP Phát triển hạ tầng trong văn bản trả lời công ty Minh Hoà thậm chí còn “doạ” sẽ ngưng tất cả các dịch vụ trong KCN như nước sạch, xử lý nước thải, kiến nghị các bên liên quan ngừng cung cấp điện và các dịch vụ công như Giấy chứng nhận đầu tư và sẽ thanh lý Hợp đồng thuê đất.

Bít cổng doanh nghiệp, bịt đường nước thải

Một sự việc tương tự mới diễn ra đầu năm 2016 làm xấu hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài là việc CTCP Đầu tư Tân Đức, đơn vị đầu tư KCN Tân Đức (Long An) đã dựng rào chắn, đào cắt ống nước và đổ đất đá chắn ngang lối vào Công ty TNHH Tango Candy (Nhật Bản) vì cho rằng công ty này không chịu đóng phí sử dụng hạ tầng.

Đây không phải lần đầu phát sinh mâu thuẫn giữa KCN Tân Đức với các doanh nghiệp đang hoạt động ở KCN xuất phát từ việc phía KCN Tân Đức đưa ra mức giá 10.018 đồng phí sử dụng hạ tầng nhưng thời điểm tháng 3/2016 vẫn còn 33 doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa đồng ý đóng theo mức giá này vì cho rằng phí quá cao, trong đó có Tango Candy.

Tương tự, một sự việc xảy ra trước đây tại KCN Quang Minh (Hà Nội), chủ đầu tư KCN – Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức (một thành viên trong Tập đoàn TNR do bà Nguyệt Hường-nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII) đã bị đường ống nước thải công nghiệp, chặn cổng KCN bằng những tảng bê tông nặng hàng chục tấn, không cho xe ô tô của doanh nghiệp ra vào.

Tại đây, các doanh nghiệp muốn ký hợp đồng xử lý nước thải và đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của KCN. Nhưng công ty Nam Đức lại buộc các doanh nghiệp phải trả tiền hạ tầng cùng lãi suất chậm trả tính từ thời điểm 31/1/2007 (căn cứ theo QĐ số 3937). Một chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở KCN Phố Nối A (Hưng Yên)

Những trường hợp như vậy, có thể nói đã phản ánh tình trạng quản lý như kiểu "chợ làng" ở nhiều KCN, dẫn đến tình trạng, nhiều DN nhất là các DN vừa và nhỏ còn ngại ngần thuê nhà xưởng, đất đai tại các KCN dẫn đến, nhiều KCN xây dựng lên nhưng tỷ lệ lấp đầy còn rất thấp.

Anh Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm