1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội:

Phúc thẩm "bầu" Kiên: Một người ngất xỉu phải cấp cứu

(Dân trí) - Chiều 28/11, phiên tòa phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm tiếp tục được diễn ra tại tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao thành phố Hà Nội.

Trong phiên chiều 28/11, sau khi đọc lại bản án sơ thẩm, tòa đã cho phép các bị cáo có ý kiến về việc kháng án của mình, trước khi vào phần xét hỏi. Phiên tòa đã bị gián đoạn 30 phút, khi một người ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu, rời tòa bằng cáng. Người này được cho là ông Trần Ngọc Thanh.
 
-------
 
16h40: Phiên tòa phúc thẩm vụ án "bầu" Kiên kết thúc và sẽ tiếp tục vào thứ 2 tuần tới.
 
16h30: Bị cáo Lý Xuân Hải được tòa án đưa cho tài liệu tham khảo sau đó hỏi về việc kinh doanh trạng thái vàng, hỏi ông này có ký không và yêu cầu đọc bản hợp đồng về việc kinh doanh trạng thái vàng. Tòa án dành nhiều thời gian cho bị cáo Hải trình bày chi tiết về việc kinh doanh trạng thái vàng.
 
16h: Khi không còn ai có ý kiến gì thêm, tòa án tiến hành thẩm vấn về các hành vi trong vụ án đã được định đoạt tại tòa sơ thẩm, đồng thời đề nghị cho cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Lực lượng công an đã dẫn bị cáo này ra khỏi phòng xét xử.
 
15h45: Bị cáo Trịnh Kim Quang cho rằng hình phạt đối với mình là quá nặng nề, tòa án nói rằng như vậy là “kêu oan”. “Thực sự tôi cũng không rõ tội của tôi thế nào, nhưng trong điều kiện như thế này, tôi xin giảm án”.
 
Bị cáo Trịnh Kim Quang tiếp lời bầu Kiên
Bị cáo Trịnh Kim Quang tiếp lời bầu Kiên
 
Bước lên vành móng ngựa sau bị cáo Trịnh Kim Quang,với nét mặt mệt mỏi, bị Cáo Phạm Trung Cang xin tòa án khoan hồng chứ không kêu oan và chỉ duy nhất mong muốn là được giảm án.
 
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm và nói ngắn gọn rằng: “Hành vi phạm tội của tôi đã rõ nhưng vấn đề đánh giá hành vi của cơ quan chức năng, tôi không tán thành. Tôi đề nghị tòa án xem xét lại các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân”.
 
Bầu Kiên đứng lên xin phép có ý kiến ngay sau khi HĐXX đọc xong lời kháng án của bị can này
Bầu Kiên đứng lên xin phép có ý kiến ngay sau khi HĐXX đọc xong lời kháng án của bị can này
 
15h35: “Bầu” Kiên đứng lên trước vành móng ngựa để xin bổ sung một vài nội dung vào bản án và xin phép hỏi, Tòa yêu cầu nói ngắn gọn vì các bị cáo sẽ được trình bày sau.
Bị cáo này nói rằng: “Không biết tôi có nghe nhầm không, tôi đề nghị bổ sung là kháng án toàn bộ nội dung bản án về cả tội danh và hình phạt".
 
Bị cáo Lý Xuân Hải được tòa hỏi các nội dung kháng cáo có đúng không, bị cáo này nói rằng cơ bản là đúng và xin tóm tắt lại các nội dung kháng cáo và thêm 2 nội dung là đề nghị xem xét toàn bộ nội dung bản án và hình phạt là quá cao.
 
15h25: Tòa đọc lại nội dung kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm về việc kinh doanh trái phép và trốn thuế.
 
15h: Phiên tòa tiếp tục được diễn ra sau sự cố gây gián đoạn 30 phút, HĐXX tiếp tục đọc lại hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm về hành vi “kinh doanh trái phép”
 
14h30: Khi tòa đang đọc tóm tắt bản án sơ thẩm, một người có mặt tại tòa gặp sự cố bất thường về sức khỏe (chưa ghi nhận được danh tính do cùng lúc hệ thống màn hình theo dõi tòa bị lỗi).  Tòa đã đề nghị bác sĩ vào chăm sóc sức khỏe cho người này. Ngay sau đó, bác sĩ mang theo cáng đã đưa người này lên xe cấp cứu và chở tới bệnh viện. Theo quan sát, người gặp sự cố sức khỏe là nam giới, mặc sơ mi ngắn tay.
 
Lực lượng công an ra dẹp đường

Lực lượng công an ra dẹp đường
 
Phúc thẩm “bầu” Kiên: Một người bất ngờ phải đi cấp cứu bằng cáng

Ngay sau đó người gặp vấn đề sức khỏe được khiêng ra khỏi tòa bằng cáng
 
Và đưa thẳng lên xe cứu thương đợi sẵn

Và đưa thẳng lên xe cứu thương đợi sẵn
 
Đúng 13h50, Tòa án bắt đầu làm việc, xuất hiện thêm 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. HĐXX tóm tắt lại bản án sở thẩm số 219/2014/HSST ngày 9/6/2014 của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và nội dung kháng cáo của các bị cáo qua đó chỉ rõ những tội danh mà “bầu” Kiên cùng đồng phạm mắc phải.

Theo phân tích của viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, “bầu” Kiên đã dựng lên một “ma trận” từ chuỗi quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng - doanh nghiệp từ chính những ngân hàng, doanh nghiệp mà người đàn ông này nắm cổ phần, sở hữu.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm chiều 28/11

Phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm chiều 28/11

Trong chuỗi quan hệ trên, ngân hàng là người có tiền và kinh doanh tiền, còn doanh nghiệp lại là người cần tiền để đầu tư kinh doanh, sản xuất để sinh lợi nhuận. Như vậy, chưa cần phân tích sâu cũng có thể thấy, ngân hàng và doanh nghiệp tự bản thân nó đã có những mối quan hệ vô cùng mật thiết và gắn bó không thể tách rời, mối quan hệ đó có tính chất qua lại. Và khi mối quan hệ này được chi phối bởi một cá nhân hay nhóm lợi ích sẽ tạo ra sự lũng đoạn thị trường.

Cụ thể trong vụ án “bầu” Kiên cùng đồng phạm, viện kiểm sát (VKS) đã chỉ ra rằng: “Các tổ chức, doanh nghiệp trong vụ án này ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác, thì còn chịu sự điều chỉnh của luật Tổ chức tín dụng”.

Qua thẩm vấn, xác định các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm với động cơ riêng, vì lợi ích nhóm, lợi ích cho riêng ACB. Các bị cáo là thành viên HĐQT của ACB, cùng biết sai, cùng thực hiện hành vi trái pháp luật với động cơ vụ lợi của mình nên phải chịu trách nhiệm chung.

Về hành vi mua cổ phiếu ACB, các bị cáo đã ký biên bản để ban hành Nghị quyết về chủ trương cấp hạn mức để đầu tư một số loại cổ phiếu. Việc này được các bị cáo bàn rất sâu, rất cụ thể, thông qua ACBS và giao cho Kiên thực hiện để các nhà đầu tư, thị trường không biết việc ACB mua cổ phiếu của ACB. Đây là cạnh tranh không lành mạnh, cổ phiếu giá thấp nhưng lại dùng biện pháp khác, đi bằng con đường trái pháp luật.

Theo VKS, khi mua cổ phiếu, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty do mình làm Chủ tịch HĐQT và ra lệnh mua với tư cách Chủ tịch 2 công ty. Sự đan xen này xuyên suốt mục đích đầu tư của bị cáo.

Các hợp đồng mà ACBS ký với đối tác KienLongbank, Vietbank, ACI, ACI Hà Nội tách ra từng hợp đồng thì đều tuân thủ quy định pháp luật, nhưng đặt chung trong một mối quan hệ thì lại khác. Tiền của ACB quay về chính ACB và để tránh phát hiện của cơ quan chức năng, dòng tiền này núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp tác đầu tư.

Theo đại diện VKS, đó là “đường vòng tội lỗi”, các lời khai đều phản ánh khi ACBS phát hành trái phiếu, ACB đều xúc tiến liên hệ để KienLongBank, VietBank mua trái phiếu.

VKS cũng chỉ rõ ra rằng, Tổng giám đốc của KienLongBank là đại diện vốn góp của ACB, điều đó đã cho thấy sự “núp bóng” ở đây. Ngay cả những cán bộ kế toán của VietBank đã thừa nhận, nếu không có nguồn tiền này thì không thể mua được trái phiếu của ACB.

Lời khai của 2 ngân hàng khẳng định rõ toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng do ACB thu xếp, riêng khoản vay 500 tỷ đồng mua trái phiếu ACI là do VietBank thu xếp, nhưng hoạt động này xảy ra trước đó.

Cán bộ phụ trách kế toán của VietBank đã thừa nhận không có tiền này không thể mua trái phiếu của ACBS. Viện Kiểm sát dẫn ra văn bản mà ACI gửi cho ông Kiên ngày 31/07/2012: “Kính gửi anh Kiên, số tiền 400 tỷ mà ACI đang vay ACB được dùng để mua cổ phiếu ACB hộ ACBS…”. Văn bản này Kiên có bút phê yêu cầu có văn bản để anh Hải xác nhận phải thu xếp khoản vay này khi đáo hạn.

Qua tài liệu báo cáo của ACBS đều thể hiện khuyến cáo của kiểm toán PWC chỉ ra khoản đầu tư này bất hợp pháp. Các bị cáo đều thừa nhận bản chất đây là tiền của ACB cấp tín dụng cho ACBS. Sau khi phải chấm dứt hợp đồng hợp tác, vì nhờ đứng tên hộ, nên ACB phải chịu trách nhiệm, nên mới có khoản hơn 1.000 tỷ đồng ACB phải đứng ra thu xếp.

"Bị cáo nêu, ACB khẳng định không bị thiệt hại và đây là hợp đồng bình thường, không có tính liên quan gì. Thiệt hại do thực hiện hành vi đúng pháp luật thì theo điều lệ ACB, thành viên HĐQT không phải chịu trách nhiệm, nhưng trái pháp luật thì phải bồi thường. Thẩm quyền bồi thường do ĐHCĐ quyết định. ACB có văn bản khẳng định không thiệt hại, những người ký văn bản đó, ít nhiều đều liên quan đến sai phạm này. Khẳng định không thiệt hại là để tránh trách nhiệm liên quan. Tôi nghĩ đây là điều dễ hiểu".

Về ủy thác cho vay 718 tỷ đồng, VKS phân tích, việc ra thông báo này là không phù hợp với quy định luật pháp. Các luật sư đều viện dẫn Thông tư 742 nhưng Thông tư này không quy định ủy thác gửi tiền, chỉ có ủy thác cho vay. Thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, chưa có hướng dẫn.

Ngoài việc thực hiện cho vay trái pháp luật, quá trình cho vay cũng có nhiều sai phạm. Tiền của ACB ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền, nhưng các cá nhân không phải làm gì ngoài việc đến ký để hợp thức tài khoản tại Vietinbank và sau đó về nhận thưởng.

Họ không có trách nhiệm, nghĩa vụ nào về mặt thực tế, việc tìm đối tác, thỏa thuận lãi suất do người khác thực hiện chứ không phải do các nhân viên thực hiện. Hợp đồng ủy thác và hợp đồng gửi tiền đều thực hiện trong một ngày. Nhân viên không được giữ hợp đồng, quản lý hợp đồng đều do ACB thực hiện.

"Tôi khẳng định, có đủ căn cứ pháp luật để xác định hành vi của các bị cáo là Cố ý làm trái. Công văn 350 chỉ là một căn cứ, còn nhiều căn cứ pháp lý khác bổ trợ, bổ sung để khẳng định các bị cáo vi phạm pháp luật", lời của đại diện VKS.

Lê Tú

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm