CEO Masan Group:

Phúc Long có kế hoạch mở rộng toàn cầu, ở Mỹ đã có 2 cửa hàng

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Phúc Long là khoản đầu tư có lợi của Masan, đem về doanh thu hơn 1.535 tỷ đồng năm 2023. Chuỗi này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 17% đến 41% trong năm nay.

Sáng nay (25/4), Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024.

Kế hoạch phát triển chuỗi Phúc Long được cổ đông đặt câu hỏi quan tâm tới ban lãnh đạo Masan. Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê nổi tiếng phát triển theo mô hình chuỗi, được Masan lần đầu góp vốn từ năm 2021 với 20% cổ phần sở hữu. Sau đó, Masan chi thêm hơn 6.100 tỷ đồng mua thêm 65% cổ phần chuỗi này.

Năm 2023, chuỗi này đem lại doanh thu hơn 1.535 tỷ đồng cho Masan. Chuỗi này cũng có biên lợi nhuận gộp cao nhất tại Masan, đạt gần 65%, trong khi bình quân của tập đoàn là gần 28%.

Phúc Long có kế hoạch mở rộng toàn cầu, ở Mỹ đã có 2 cửa hàng - 1

Phúc Long dự kiến phát triển toàn cầu (Ảnh minh họa: PL).

Quay trở lại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về chiến lược phát triển Phúc Long. Ông Danny Lê - Tổng giám đốc Masan - nói Phúc Long có kế hoạch đi ra toàn cầu, ở Mỹ đã có 2 cửa hàng. Công ty đang có những bước chuẩn bị và có sáng kiến đổi mới, đang có bước đi mở rộng mạng lưới ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Năm nay, Phúc Long dự kiến đạt 1.790 tỷ đồng đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ, dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới. 

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group - gọi Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) là viên kim cương gia bảo, là đại sứ ẩm thực Việt Nam trong hành trình bước ra thế giới. Masan Group sẽ IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với cổ phiếu của Masan Consumer trong thời gian tới.

Đối với chuỗi WinCommerce (vận hành siêu thị WinMart+ và WinMart), bà Nguyễn Thị Phượng - Tổng giám đốc WinCommerce - nói mỗi năm mở mới 400-700 cửa hàng và cần thời gian cải thiện kết quả kinh doanh. Số lượng các cửa hàng này đóng góp 20% doanh thu. Biên lợi nhuận sẽ đạt điểm hòa vốn cấp độ công ty vào năm 2025.

Năm nay, WinCommerce dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt từ 8% đến 13% so với cùng kỳ.

Ở mức độ tổng quan, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng 7% - 15% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng, tăng 20% - 115% so với cùng kỳ.

Cổ đông thông qua việc Masan Group có phương  án chào bán cổ phần là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức. Tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành cho mỗi phương án.

Với phương án chào bán cổ phần phổ thông, Masan sẽ phát hành riêng lẻ một hoặc nhiều lần. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm gần nhất.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức, giá chào bán, số lượng nhà đầu tư và việc chuyển nhượng tương tự phương án chào bán cổ phần phổ thông. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.  

Ngoài ra, Masan Group còn dự kiến phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành, tức khoảng hơn 7 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá cổ phiếu đang giao dịch ngày 25/4 là 68.000 đồng/đơn vị. Thời gian phát hành trong năm 2024 hoặc 4 tháng đầu năm 2025.