1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuỗi Phúc Long làm ăn ra sao trong năm đầu về tay Masan?

Việt Đức

(Dân trí) - Sau khi chính thức mua lại Phúc Long từ tháng 1/2022, Masan tập trung mở mới các cửa hàng độc lập thay vì phủ các ki-ốt trà, cà phê bên trong siêu thị như trước.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh chi tiết năm 2022 vừa được công bố, Masan cho biết, năm vừa qua Phúc Long Heritage đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). 2022 là năm đầu tiên kết quả kinh doanh của Phúc Long được hợp nhất vào Masan sau khi tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hoàn tất việc đầu tư để tăng tỷ lệ sở hữu tại thương hiệu ẩm thực (F&B) này lên 51%.

Trong cơ cấu doanh thu của Phúc Long, các cửa hàng độc lập (flagship) đóng góp 1.153 tỷ đồng, tương đương hơn 70%. So với thời điểm trước khi được mua lại thì số cửa hàng đã tăng gấp đôi, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của cửa hàng đạt trên 35%, cao hơn nhiều so với mức mặt bằng chung của ngành.

Trong khi đó, với mô hình ki-ốt Phúc Long bên trong các siêu thị WinMart+, Masan cho biết đã đóng các điểm kém hiệu quả, đánh giá lại và xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi quyết định tiếp tục nhân rộng. Trước đó, khi mới đầu tư vào Phúc Long hồi giữa năm 2021, Masan từng lên kế hoạch phủ sóng ki-ốt trà, cà phê tại 1.000 siêu thị của mình trên toàn quốc.

Năm nay, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến mở thêm các cửa hàng độc lập, kỳ vọng doanh thu thuần đạt 2.500-3.000 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu chuỗi Phúc Long trở thành chuỗi đứng thứ hai thị trường về số lượng cửa hàng vào quý II tới và tham vọng đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024-2025.

Phúc Long là một trong những thương hiệu trà, cà phê lâu đời trên thị trường khi ra đời vào năm 1968 dưới bàn tay của nhà sáng lập Lâm Bội Minh. Đầu những năm 2010, thương hiệu này mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại TPHCM, đánh dấu bước chuyển dịch từ vai trò nhà sản xuất sang bán lẻ trong ngành đồ uống. 

Tháng 5/2021, Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long. Đến tháng 1/2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tiếp tục bỏ ra thêm 110 triệu USD để có thêm 31% cổ phần, tương ứng định giá chuỗi trà cà phê này khoảng 355 triệu USD (hơn 8.000 tỷ đồng).