Phú Yên: Sự cố tàu 67 cơ bản được khắc phục

(Dân trí) - Chiều 12/6, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chủ trì buổi đối thoại, tháo gỡ vướng mắc giữa ngư dân có tàu cá vỏ thép bị hư hỏng với liên danh Công ty CP đầu tư phát triển thủy sản Đông Á - Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Phà Rừng.

Cùng nhau khắc phục sự cố

Trong thời gian qua, tại địa bàn tỉnh Phú Yên có xảy ra việc 2 ngư dân cho rằng, tàu 67 ở Phú Yên vừa đóng mới đã bị hư hỏng, do Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Phà Rừng (Công ty Phà Rừng) thực hiện đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Tàu cá PY-99991TS của ông Phan Thanh Trị đã được sửa chữa hoàn toàn các hư hỏng ở mặt boong
Tàu cá PY-99991TS của ông Phan Thanh Trị đã được sửa chữa hoàn toàn các hư hỏng ở mặt boong

Để làm rõ vấn đề trên, UBND tỉnh đã mời cả 2 chủ tàu đến để cùng các bên đối thoại, nhưng ông Đỗ Ngọc Tín (ở xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa), chủ tàu cá PY-99993TS không đến (đây là lần thứ 2 ông Tín từ chối đối thoại), mà chỉ có ông Phan Thanh Trị (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa), chủ tàu cá PY-99991TS đến dự.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về vấn để này. Ông Phan Thanh Trị cho biết: Việc hư hỏng như ông phản ánh là có, nhưng cơ bản về máy chính, thân tàu đều làm đúng quy chuẩn. Các hư hỏng đã được công ty đóng tàu và chủ tàu phối hợp khắc phục sửa chữa hoàn toàn.

"Chuyến tàu thứ 5 vừa qua đi biển dài ngày nhưng không xảy ra hỏng hóc gì. Giờ tôi chỉ mong muốn làm rõ việc bảo hiểm có bồi thường cho tôi hay không, và cũng xin nhà nước giãn nợ cho tôi thêm một thời gian…", ông Trị kiến nghị.

Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó giám đốc Công ty Đông Á cho hay: “Công ty luôn đảm bảo về chất lượng của các con tàu, những hư hại của anh Trị chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, các trang thiết bị anh Trị bảo hư hỏng cần sửa chúng tôi đã sửa, cần thay mới chúng tôi đã thay mới".

Ông Trần Hữu Thế chủ trì buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc giữa ngư dân với các bên liên quan.
Ông Trần Hữu Thế chủ trì buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc giữa ngư dân với các bên liên quan.

Cũng theo ông Tú, còn tàu của ông Tín về vấn đề trọng tải và mạn tàu là do người sử dụng không hiểu về cách vận hành và quy chuẩn của con tàu nên mới cho rằng tàu thấp, và trọng tải không đủ. Sau khi tiếp nhận thông tin về phản ánh của ông Tín , công ty đã hướng dẫn và khắc phục. Đến nay ông Tín không còn ý kiến gì về vấn đề này.

Qua kiểm tra về thực tế các con tàu, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên khẳng định: Ở một số con tàu tại tỉnh Phú Yên có xảy ra sự cố, nhưng chỉ ở phần mặt boong tàu. Còn toàn bộ thiết kế về thân tàu, máy chính… đều đúng quy chuẩn và được kiểm định chặt chẽ. Đến nay cơ bản 3 chiếc tàu của Công ty Phà Rừng đóng cho ngư dân đều được khắc phục…

Còn việc khai thác có hiệu quả hay không còn nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố về con người trên thuyền đó. Nếu ngư dân Phú Yên muốn có sản lượng khai thác tốt, ngư dân cần đi học ở các tỉnh khác, vì cơ bản từ trước đến nay tại Phú Yên, nghề chụp ngư dân chưa bao giờ làm qua…

Công ty bảo hiểm tiếp tục từ chối bồi thường

Tại buổi đối thoại, ông Trị đã tha thiết mong cơ quan bảo hiểm bồi thường cho mình nhưng một lần nữa công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường. Vì đơn vị cho rằng, ngư lưới cụ không nằm trong điều khoản bảo hiểm nên không thanh toán.

Ông Phan Thanh Trị yêu cầu công ty Bảo Minh bồi thường thỏa đáng các thiệt hại về con tàu, cũng như sự cố tai nạn trên con mắt của ông
Ông Phan Thanh Trị yêu cầu công ty Bảo Minh bồi thường thỏa đáng các thiệt hại về con tàu, cũng như sự cố tai nạn trên con mắt của ông

Ông Trần Đình Vũ, Trưởng giám định bồi thường Bảo Minh Phú Yên nói: “Sào chụp lưới trước mũi tàu cá (càng chữ A) của ông Trị là thuộc mục ngư lưới cụ và mục này ông Trị không mua bảo hiểm nên không chi trả bồi thường.

Còn về thương tật trên mắt phải của ông Trị, phía Bảo Minh Phú Yên chỉ chi trả mức 27 triệu đồng do căn cứ vào tỷ lệ thương tật trên mắt. Ông Trị không nhận vì cho rằng mức bồi thường đó thấp so với chi phí điều trị thực tế”.

Nhưng ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản lại một lần nữa khẳng định, càng chữ A là thiết bị mặt boong chứ không phải ngư lưới cụ. Ngoài ra, ông Nhạn chỉ rõ ông Trị mua bảo hiểm trên tổng giá trị tàu cá hơn 18 tỉ đồng (bao gồm cả ngư lưới cụ).

“Vì sao Bảo Minh lại chừa điều khoản bảo hiểm lưới cụ ra ngoài hợp đồng?”, ông Nhạn hỏi đại diện Bảo Minh Phú Yên.

Ông Trần Đình Vũ, Trưởng giám định bồi thường Bảo Minh Phú Yên vẫn khẳng định sẽ không chi trả cho ông Trị vì cho rằng ngư lưới cụ không có trong điều khoản bao hiểm.
Ông Trần Đình Vũ, Trưởng giám định bồi thường Bảo Minh Phú Yên vẫn khẳng định sẽ không chi trả cho ông Trị vì cho rằng ngư lưới cụ không có trong điều khoản bao hiểm.

Do đó, ông Phan Thanh Trị yêu cầu công ty Bảo Minh bồi thường thỏa đáng các thiệt hại về con tàu, cũng như sự cố tai nạn trên con mắt của ông. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, việc này là của nhân viên khai thác làm việc với ông Trị và ông Trị đã đồng ý với cơ quan bảo hiểm là không bảo hiểm ngư lưới cụ. Nên khi xảy ra sự cố trên ngư lưới cụ, công ty có quyền không bồi thường.

Bà Trần Thị Việt Hưng, cán bộ Ngân hàng BIDV Phú Yên, cho biết thêm: “Một số con tàu đóng mới sớm nhất như anh Trị, anh Công… đều bị công ty Bảo Minh Phú Yên trừ điều khoản mua bảo hiểm ngư lưới cụ vì Bảo Minh cho rằng, do ngư dân từ chối mua bảo hiểm. Sau này chúng tôi can thiệp nên các tàu cá vỏ thép còn lại mới được Bảo Minh đưa điều khoản bảo hiểm ngư lưới cụ vào hợp đồng”.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, lại cho rằng ngư lưới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đều nằm trong danh mục bảo hiểm
Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, lại cho rằng ngư lưới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đều nằm trong danh mục bảo hiểm
Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó giám đốc Công ty Đông Á tại buổi đối thoại
Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó giám đốc Công ty Đông Á tại buổi đối thoại

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định: “Chính sách bảo hiểm về tàu 67 đã được quy định rõ tại điều 5 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho nên việc thay đổi các điều khoản trong bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm phải có sự trao đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không chỉ trao đổi riêng với chủ tàu. Bởi, đôi khi chủ tàu không hiểu biết hết về quy định luật pháp cho nên lúc ký những hợp đồng bất lợi cho bản thân mình".

Kết luận buổi làm việc trên, ông Trần Hữu Thế đề nghị cơ quan tham mưu yêu cầu công ty bảo hiểm Bảo Minh thực hiện đúng theo quy định về chính sách bảo hiểm được ghi tại điều 5 của nghị định 67. Ông Thế cũng yêu cầu công ty Bảo Minh giải trình vấn đề trên, báo cáo bằng văn bản cho UBND tỉnh.

Về sự cố, quan trọng nhất là vỏ tàu và máy tàu đều tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình hư hỏng gồm có hai phần lỗi, phần lỗi thứ nhất về phía đơn vị đóng tàu hướng dẫn chưa đầy đủ cho người dân vì những con tàu này phải vận hành theo cách hiện đại cho nên trong thời gian vận hành có gặp vướng mắc và dẫn đến một số hư hỏng. Thứ hai người dân cũng chủ quan khi đưa người tập huấn cũng như đưa người đi cùng là thay đổi nhân sự liên tục và nhân sự vận hành trên con tàu vỏ sắt với trang thiết bị hiện đại nó vỏ gỗ dẫn đến thao tác năng suất gặp nhiều hạn chế.

"Đến giờ này, 3 con tàu bị hư hỏng ở Phú Yên đều đã vươn khơi bám biển. Phía đơn vị liên danh đóng tàu cũng đã thể hiện tinh thần hợp tác bám sát với các chủ tàu để khắc phục những sự cố mà những con tàu này vấp phải và hướng dẫn cách vận hành. Phía đơn vị liên danh đóng tàu cũng đã thể hiện tinh thần hợp tác bám sát với các chủ tàu để khắc phục những sự cố mà những con tàu này vấp phải và hướng dẫn cách vận hành", ông Thế nhấn mạnh.

Điều 5 chính sách bảo hiểm của tàu được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên:

1. Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.

2. Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức:

a) 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV.

b) 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Trung Thi