1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phong tặng Anh hùng Lao động cho EVN: Cần phân định rõ công tội

(Dân trí) - Mới đây, thông tin về việc Bộ Công Thương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2015 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược từ dư luận.

 


TS Nguyễn Minh Phong: Những người công nhân của họ thực sự đáng khen

TS Nguyễn Minh Phong: "Những người công nhân của họ thực sự đáng khen"

Bài toán cân bằng tài chính

Bàn về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong quá trình hoạt động của ngành điện gặp rất nhiều phản ứng từ dư luận về tính công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, EVN còn gặp một số vấn đề về giá điện và độc quyền. Do đó, việc cân nhắc phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho đơn vị này cần thêm thời gian.

Nói riêng về kết quả kinh doanh, tính từ năm 2012 trở lại đây, trung bình mỗi năm EVN lãi khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với EVN hiện nay vẫn là cân bằng tài chính với khoản lỗ lên tới 16.800 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014 đến từ lỗ chênh lệch tỷ giá, lỗ do sản xuất kinh doanh giai đoạn 2009-2010, từ giá than tăng, từ thuế tài nguyên và phí môi trường tăng…

Ngoài ra, EVN cũng có khoản lỗ đáng kể khác từ đầu tư ngoài ngành. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm 2013, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng.

Do có khoản lỗ luỹ kế lớn, sau gần 2 năm, kể từ ngày 16/3, EVN được chấp thuận tăng giá điện bán lẻ thêm 7,5% lên mức bình quân 1.622,01 đồng/kWh. Thời điểm này, EVN cũng công bố biểu giá bán lẻ điện với 6 bậc thang. Tuy nhiên, sau vài tháng áp dụng biểu giá điện mới này đã vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận. Hiện Tập đoàn này đang lập đề án để gửi lên Bộ Công Thương về việc sửa biểu giá điện theo hướng phù hợp hơn.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, để đánh giá khách quan, nên lấy ý kiến các hiệp hội liên quan, những người am hiểu. Việc khen thưởng cần phải thuyết phục được người dân, nghe thêm ý kiến từ phía người dân.

Chuyện công - tội

Trao đổi thêm về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận: "Thời gian vừa qua EVN muốn tính nhiều thứ vào giá thành, rồi chuyện công tơ, số điện… gây nhiều ý kiến lo lắng, chưa đồng tình. Nhưng công ra công, tội ra tội. Có lẽ hiếm có anh hùng nào là toàn diện. Tôi tin lãnh đạo Chính phủ và Ban Thi đua khen thưởng nhìn thấu việc này để có quyết định sáng suốt nhất".

Trao đổi thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Đây là vấn đề nhạy cảm, có nhiều ý kiến trái chiều cũng là dễ hiểu. Nói gì thì nói EVN cũng có công, ngay từ thời kỳ nhà máy điện Yên Phụ năm 1954, ngành điện đã luôn là đơn vị vừa tham gia chiến đấu vừa sản xuất. Cũng từ đó tới nay, đơn vị này đưa điện lên miền núi, hải đảo, góp một phần công cuộc giữ vững an ninh quốc phòng; luôn đảm bảo cung ứng điện ngay cả khi bão lũ. Ngoài một số bức xúc trong cách tính giá điện rồi điều chỉnh điện tăng giá do yếu tố quản lý, chứ tính tổng thể về mặt thời gian thì công của họ lớn hơn tội”, ông Phong nói.

Theo vị chuyên gia này: “Những người công nhân của họ thực sự đáng khen. Do đó, theo tôi, đánh giá EVN công 7 tội 3 còn hơn nặng, công phải 8, 9 phần, tội chỉ do yếu kém về quản lý tài chính trong giai đoạn gần đây.  Trong khi đó, riêng với phần lỗi cũng phải kể tới phần trách nhiệm của đơn vị quản lý về chính sách, về thể chế”.

Trao đổi tại một hội thảo mới đây, với vai trò là cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho rằng, trong thời gian qua, ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành điện đã xây dựng và hoàn thiện nhiều công trình nguồn và lưới điện quan trọng.

"Trong 2 năm qua, ngành điện đã cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nguồn điện đã có dự phòng và trong những đợt nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng ngành điện đảm bảo đáp ứng được điện sinh hoạt cho nhân dân. Đây là thành tích đáng kể của ngành điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

 

Phương Dung