1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng yêu cầu phạt nặng hành vi “thổi giá” khẩu trang phòng dịch corona

(Dân trí) - Chiều nay (31/1), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - đã giao Quản lý thị trường, Thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.

Yêu cầu nói trên được nhấn mạnh trong cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo điều hành giá,  nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu phạt nặng hành vi “thổi giá” khẩu trang phòng dịch corona - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Trong bối cảnh dịch bênh viêm phổi corona mới (nCoV) đang lây lan, Việt Nam đóng cửa biên giới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết sẽ chỉ đạo việc chế biến sâu, điều chỉnh nguồn hàng, tăng cường sản phẩm thay thế như làm thức ăn gia súc để không phải nhập khẩu. Bộ này cũng xúc tiến thị trường xuất khẩu nông sản tới Nga, Hoa Kỳ và Brasil trong 3 tháng tiếp theo.

Liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) - cho biết: Nhu cầu đang tăng đột biến. Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Vừa qua, có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam.

Theo vị này, các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng là khó khăn.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài vì bản thân các bệnh viên rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.

“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10- 15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định Thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt” - ông Tuấn nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu phạt nặng hành vi “thổi giá” khẩu trang phòng dịch corona - 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin: “Điều 10, Luật giá cấm tổ chức cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hoá trục lợi.  Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hoá khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30- 300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ dịch cúm nCoV xuất hiện tác động tới tình hình kinh tế giá cả thế giới. Nhiều dự báo, nCoV sẽ tác động lớn nhất tới lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng theo xu hướng giảm do kinh tế thế giới sẽ giảm sâu hơn dự báo, tác động tới ngành hàng không, du lịch cũng suy giảm theo.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu nhiều có cả mặt lợi và không lợi. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra vấn đề xem xét giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV tăng để bảo đảm nguồn cung trong nước, khách du lịch và việc Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩu trang cho Trung Quốc phòng dịch.

Lãnh đạo Chính phủ giao Quản lý thị trường, Thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.

CPI cao nhất trong 7 năm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  đánh giá hàng hoá trong dịp Tết dồi dào, không “sốt” hàng, tăng giá nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng khá cao 1,23% so với tháng 12 trước đó.

Nguyên nhân chính là mặt hàng thịt lợn, tuy nguồn cung đủ và giá bán không còn ở mức đột biến như trong thời gian trước nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000-86.000đ/kg hơi) như trước Tết, tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá cả trong tháng đầu năm 2020 có yếu tố “bình thường và bất thường”. Bình thường là giá tăng vào dịp cuối năm, nhưng bất thường là CPI cao nhất trong 7 năm qua, tính cả so sánh với tháng 1 cùng kỳ năm trước và tháng 12 liền kề trước đó.

Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê giá thịt lợn hơi hiện nay vẫn giữ ở mức giá cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và đặt ra vấn đề “do cung- cầu hay là do độc quyền cung ứng gây ra chuyện này?” và đề nghị các cơ quan chuyên ngành làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, giá bán thịt lợn cũng như thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi, sớm báo cáo Ban chỉ đạo. Bộ NN&PTNT báo cáo việc thực hiện quyết định nhập khẩu thịt heo thành phẩm, việc tái đàn, cung ứng thịt lợn sau Tết.

“Nhà nước không can thiệp thô bạo vào thị trường nhưng phải bảo đảm hài hoà lợi ích sản xuất, người tiêu dùng và xã hội” - Phó Thủ tướng nói.

Châu Như Quỳnh