Phó Thủ tướng: “Neo” lạm phát 2018 ở mức 4% sẽ thành công
(Dân trí) - Sáng nay (27/12), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì phiên họp cuối năm, đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Các kịch bản điều hành giá
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng nhóm giúp việc cho Ban chỉ đạo đưa ra dự báo cuối cùng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2017 ước tăng 2,46% so với thời điểm 31/12/2016. CPI bình quân năm 2017 ước tăng 3,52% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4% cho năm nay.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đây là năm thứ 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội (năm 2016 lạm phát là 4,75%, Quốc hội giao chỉ tiêu không chế dưới 5%, năm 2017 là 3,52%, so với chỉ tiêu dưới 4%).
Trong đó, ngành ngân hàng đưa tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, hỗ trợ cho việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Bà Hồng cho biết, tới cuối năm tín dụng tăng khoảng 19%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng theo hướng chậm lại so với năm 2016.
NHNN cũng đưa mức dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục (51,5 tỷ USD - kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco). Kết quả trên giúp lạm phát cơ bản của ngành ngân hàng giảm dần đều từ 1,8% xuống mức dự kiến vào cuối năm là từ 1,4- 1,41%, đóng góp vào thành quả kiểm soát lạm phát bình quân của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Năm 2017 là năm có bước đột biến trong chỉ đạo điều hành về giá, thể hiện ở các mặt: Kịch bản điều hành giá sát với diễn biến thị trường, xác định được từng mặt hàng thiết yếu và liên hệ tới sự thay đổi giá của các mặt hàng khác, sự phối hợp với các bộ ngành liên quan trong ban chỉ đạo rất tốt”.
Lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, Bộ này đã thực hiện việc giảm phí BOT theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP, từ giữa năm 2017 nhiều trạm thu phí đã giảm mức thu. Mới đây 45/51 trạm BOT đạt được thoả thuận quyết toán đã thực hiện giảm phí. Còn 6 trạm nữa Bộ đang phối hợp với nhà đầu tư, ngân hàng đàm phán phương án tài chính để giảm phí ở các trạm này.
“Trong năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tính toán phương án tài chính của từng dự án cụ thể, tiếp tục thực hiện chỉ đạo chung giảm giá phí BOT. Giảm phí BOT và phí logistics là hai trọng tâm chỉ đạo của Bộ trong năm tới”, ông Thọ nhấn mạnh.
Với giá cát xây dựng - loại mặt hàng có biểu hiện khó kiểm soát giá từ đầu năm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, vào quý IV/2017 giá cát có xu hướng giảm từ 8- 15% nhờ quản lý và tăng cường tuyên truyền sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, chống đầu cơ.
Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường triển khai Đề án số 452 về xử lý thạch cao, gang thép của các nhà máy nhiệt điện, gang thép, luyện kim để sử dụng cho san lấp thay cho cát. Bộ Xây dựng cũng huỷ bỏ tiêu chuẩn về cát san nền (không dùng cát để san nền) đã tồn tại hàng chục năm qua để tránh đội chi phí, giảm lãng phí.
“Sắp tới làm đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành có thể dùng vật liệu khác để san lấp, không cứ phải dùng cát”, ông Khánh cho biết.
Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế thực hiện căn chỉnh theo từng địa phương, bảo đảm tăng theo lộ trình đã phê duyệt. Với giá thuốc, năm qua, Bộ đã đấu thầu tập trung quốc gia thuốc và hiện đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 22 mặt hàng thuốc (gồm 5 biệt dược và 17 thuốc generic) với tổng giá trị 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng so với tổng giá trị tính theo giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang triển khai các thủ tục đấu thuốc thuộc danh mục chi trả của Bảo hiểm Y tế trong năm 2018. Như vậy, nhà điều hành tính toán giá thuốc trong năm sau sẽ được kéo giảm từ 10- 15% so với hiện nay.
Giữ giá hàng hóa Tết
Với năm 2018, Bộ Tài chính đưa ra 3 kịch bản dự báo chỉ số CPI trong năm 2018 đều ở mức dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội. Các kịch bản CPI của Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhận định sát với dự báo của Bộ Tài chính trong năm 2018.
Thống nhất nhận định về các kịch bản điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Chính phủ hoàn hoàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%”.
Trước mắt, chuẩn bị cho Tết cổ truyền, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chỉ đạo tới từng địa phương chỉ đạo việc bình ổn giá hàng hoá thiết yếu dịp Tết, quan tâm đưa hàng tới các khu vực miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp để bảo đảm nguồn cung cho công nhân mua sắm trong những ngày giáp Tết.
Bộ GTVT đề nghị các Hợp tác xã, các hãng vận tải tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ban hành biên độ giá vé vận tải hành khách và tăng cường kiểm tra việc thực hiện để không tăng đột biến. Trong dịp Tết các hãng hàng không sẽ cung cấp khoảng 5.000 chuyến bay.
Nêu những tác động tới điều hành giá trong năm 2018, đại diện hai Bộ GTVT và Xây dựng cho rằng, việc triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc Nam và đền bù, giải toả mặt bằng có khả năng làm giá vật liệu xây dựng biến động. Thứ trưởng Bộ Giao thông đề nghị thực hiện giải pháp giao nhà đầu tư trúng thầu làm đường cao tốc có quyền khai thác mỏ đá, đất. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị lãnh đạo UBND các địa phương quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư trong thu xếp vật liệu xây dựng thực hiện cao tốc Bắc- Nam.
Tán thành các đề xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát không thể xảy ra đột biến như năm 2017, nhất là với các công trình lớn triển khai trong năm 2018 như dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam. Bộ Xây dựng điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn tro xỉ của các nhà máy luyện kim để thay thế cát san lấp. Chủ tịch UBND các tỉnh quản lý tốt các mỏ đất, đá để tránh đầu cơ, nơi nào quản lý tốt thì sản xuất bình thường, nếu không tốt, sai phạm thì xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng tới cung- cầu cát trên thị trường”.
P.T