Phó Thủ tướng: Lấy thắng lợi chống đại dịch để tạo nền tảng vực dậy kinh tế

An Linh

(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh kiên trì mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất.

Phó Thủ tướng cho rằng, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên định thực hiện "mục tiêu kép".

"Tùy từng địa phương, tùy từng thời điểm thực hiện linh hoạt, nhấn mạnh ưu tiên mục tiêu phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế hoặc cân bằng giữa hai mục tiêu này. Song về cơ bản, phải lấy thắng lợi của công tác phòng chống dịch là yếu tố quyết định, nền tảng vững chắc để khôi phục và vực dậy nền kinh tế", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Phó Thủ tướng: Lấy thắng lợi chống đại dịch để tạo nền tảng vực dậy kinh tế - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Hội nghị sơ kết 6 hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành Tài chính.

Theo lãnh đạo Chính phủ, sự chủ động đó của ngành Tài chính đã góp phần tạo niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp. Để làm tốt hơn nữa, trong thời gian tới Bộ Tài chính cần tiết kiệm chi thường xuyên để có thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, tăng chi đầu tư phát triển và giảm bội chi ngân sách Nhà nước. 

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ hoan nghênh sự nỗ lực sáng tạo, nghiên cứu, tham mưu nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua vắc xin tiêm chủng trên diện rộng cho người dân, sớm tạo miễn dịch cộng đồng của Bộ Tài chính.

Đến nay, tổng nguồn lực dành cho công tác phòng chống dịch khoảng 25 nghìn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng, huy động của Quỹ vắc xin trên 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp 2 nghìn tỷ đồng. Cuối tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng gần 7,7 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 từ các nguồn nêu trên.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành Tài chính giải quyết 7 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó đặc biệt là về các thủ tịch hành chính, công tác thu chi, hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu: "Toàn ngành Tài chính cần tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao".

Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính giám sát thị trường giá cả, trong đó cân đối cung cầu và bình ổn giá, xử lý những hiện tượng găm hàng, tăng giá chuộc lợi bất chính từ dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu: "Kiên quyết chống thao túng giá trong hoạt động chứng khoán và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách đạt 781.000 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%).

Về chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 694.400 tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm chính sách hỗ trợ

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.