Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Dự án bôxít Tân Rai vẫn hiệu quả”
(Dân trí) - “Với tính toán hết sức bảo thủ, tức là tính đến dự báo giá Alumin cho cuộc đời kinh tế của dự án là 30 năm, đối với Tân Rai là khoảng 379 USD/tấn thì vẫn thấp hơn dự báo của các công ty tư vấn trên thế giới là bình quân 450 USD”.
Trong khuôn khổ phiên chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 14/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã báo cáo trước Quốc hội như vậy khi nói về tính hiệu quả của hai dự án bô-xít ở Tây Nguyên.
Gửi tới đại diện Chính phủ thắc mắc về hai dự án bô-xít tại Tân Rai và Nhân Cơ, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) nói: “Trước kỳ họp và đầu kỳ họp, dư luận và cử tri quan tâm tới hiệu quả của hai dự án này. Chúng tôi đã nhận được Báo cáo của Chính phủ số 213 đã làm rõ một số vấn đề. Tuy nhiên, có hai điểm tôi mong Phó Thủ tướng làm rõ hơn với cử tri.
Thứ nhất, đánh giá hiệu quả có sự khác nhau giữa báo cáo là lỗ, chấp nhận 5 năm hay trả lời là 7 năm và cơ sở để định hình dự án vòng đời là 30 năm thì tính tùy thuộc rất nhiều vào thị giá thị trường của alumina. Việc đánh giá có hiệu quả về tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung như thế nào mang tính thuyết phục thì chưa yên tâm lắm.
Thứ hai, vì thí điểm hai dự án nên sử dụng vận tải đường bộ. Hiện nay, những con đường vận chuyển đó hoàn toàn quá tải và cử tri rất lo lắng, nếu vận chuyển hai chiều thì bài toán xử lý như thế nào, cũng chưa rõ, chưa yên tâm. Đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ để cử tri yên tâm về vấn đề này”.
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Hai dự án này được Bộ Chính trị hết sức quan tâm và có sự chỉ đạo ngay từ đầu. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ triển khai 3 nội dung là: bảo đảm về môi trường, bảo đảm về hiệu quả, bảo đảm về công nghệ.
Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ thẩm tra, đánh giá hiệu quả. “Trong quá trình đầu tư, thường là chủ đầu tư phải thường xuyên xem xét đánh giá về điều kiện thị trường cũng như hiệu quả của dự án. Nếu như dự án phát hiện là không có hiệu quả thì phải có giải pháp để xử lý, nếu không xử lý được hiệu quả đó thì thậm chí phải ngừng dự án để bảo đảm không bị thiệt hại hơn”, Phó Thủ tướng Hải nói.
Chính vì vậy, trong quá trình đánh giá hiệu quả, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng đã thực hiện đánh giá hết sức cẩn thận, kỹ càng. Đánh giá đó cũng tính đến điều kiện về thị trường. Theo Phó Thủ tướng, do khủng hoảng, nhu cầu sử dụng nhôm và alumin của thế giới có giảm và đi cùng với đó là giá cũng giảm. Điều đó đã tác động đến hiệu quả của dự án.
Tuy vậy, theo như báo cáo của Bộ Công Thương, với tính toán hết sức bảo thủ, tức là tính đến dự báo giá alumin cho cuộc đời kinh tế của dự án là 30 năm, đối với Tân Rai là khoảng 379 USD/1 tấn thì vẫn thấp hơn dự báo của các công ty tư vấn trên thế giới là bình quân khoảng 450 USD.
“Với dự báo mang tính bảo thủ như vậy, an toàn hơn như vậy thì dự án Tân Rai vẫn còn hiệu quả. Tuy thời gian lỗ lũy kế của nó từ 3 năm bị kéo dài lên 5 năm và hiệu quả của dự án thu hồi vốn cũng bị kéo dài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập tới phương án vận tải đường bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ cùng Ủy ban nhân dân các địa phương lên phương án vận tải, phương án đầu tư việc vận tải cho các vật tư, nguyên vật liệu của hai dự án này bảo đảm được.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong thời gian vừa qua, các dự án này đang đầu tư, tuy có hơi chậm do khó khăn về nguồn vốn, kể cả nguồn vốn từ than và nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư BT, nguồn vốn vay ngân hàng.
“Tôi rất hiểu đại biểu Trần Du Lịch cũng chưa yên tâm với hiệu quả của dự án, liệu phương pháp tính như vậy và dự án nó có thực hiệu quả không? Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư này của đại biểu Trần Du Lịch và Chính phủ cũng sẽ tiếp thu ý kiến này để chỉ đạo các Bộ, đặc biệt là chủ đầu tư theo dõi, đánh giá thường xuyên về dự án”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng, với một dự án hài hạn 30 năm, nếu chủ đầu tư không có phương pháp quản lý tốt, tiết kiệm và hiệu quả thì có thể đổ bể, có thể lỗ bất cứ lúc nào. Phó Thủ tướng lấy ví dụ về việc trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát về thị trường nông sản.
“Thị trường lúa gạo, thị trường thực phẩm, cả thế giới đang được dự báo từ chỗ thiếu lương thực, thiếu thực phẩm thì lại trở nên thừa. Nhưng như vậy không có nghĩa là thị trường đấy sẽ trở thành thừa từ nay về sau mà nó chỉ là mang tính thời điểm, mang tính nhất thời nếu chúng ta không có quy hoạch dài hạn, có tính toán và có các giải pháp ứng phó với nó”, Phó Thủ tướng cho hay.
Quay trở lại với dự án alumin, nói về vòng đời kinh tế 30 năm, Phó Thủ tướng giải thích: Chúng tôi nêu đây là tuổi thọ kinh tế của dự án sử dụng theo thông lệ quốc tế để đánh giá một dự án alumin, mỗi dự án công nghiệp có các tuổi thọ khác nhau. Ví dụ nhà máy điện, điện than là 30 năm, nhưng điện khí chỉ có 20 năm tuổi thọ kinh tế.
Khi đánh giá xây dựng dự án đầu tư của dự án alumina này, chúng ta lấy thời hạn 30 năm để so sánh nhưng thực tế một dự án có thể kéo dài đến 40, 50 năm, tùy theo khả năng quản lý hiệu quả của chủ đầu tư.
“Tôi xin tiếp thu ý kiến lo lắng của đại biểu Trần Du Lịch. Chính phủ sẽ cùng các Bộ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị cũng như các giải pháp đã đưa ra của Chính phủ để bảo đảm dự án có hiệu quả”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.