Phó thống đốc: Sẽ không hạ chuẩn tín dụng
(Dân trí) - Tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Tín dụng thấp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói cũng muốn tăng cao nhưng sẽ không hạ chuẩn tín dụng.
Trong buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, diễn ra sáng 21/6, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây không phải con số tăng trưởng tín dụng cao nếu so với các năm trước.
Mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm kể trên là mức tăng thấp nhất trong hơn một thập niên trở lại đây (từ năm 2012). Thậm chí, mức tăng này còn thấp hơn cả giai đoạn 6 tháng đầu của năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
"Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không", Phó thống đốc thông tin. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu hạ chuẩn tín dụng sẽ khiến các khoản tín dụng biến thành nợ xấu, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Việc tín dụng tăng thấp từ đầu năm, ông Đào Minh Tú cho rằng có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, đặc biệt là nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp của nền kinh tế.
"Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng đang rất sẵn sàng. Vì nhiều vấn đề mà nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại", Phó thống đốc cho biết.
Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 14-15%. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Nhưng đến nay, dư nợ cả nước mới đạt 3,36%, tức hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu. Chỉ tiêu huy động vốn toàn ngành nửa đầu năm đạt 3,09%, thanh khoản trong nền kinh tế đang rất dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhà điều hành tiền tệ cho biết các ngân hàng vẫn phải đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.