1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém

Thảo Thu

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước kỳ họp thứ 5 khai mạc vào 22/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xử lý 4 ngân hàng kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng "0 đồng" là CBBank, OceanBank, GPBank.

Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.

Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định, không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém - 1

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt (Ảnh: Tiến Tuấn).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là SCB. Thủ tướng cũng lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo Vietcombank, VPBank, MB cũng hé lộ thông tin về việc tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho biết ngân hàng này đánh giá thời gian xử lý ngân hàng được tiếp nhận sẽ không quá 8-10 năm, để biến những tổ chức này thành các tổ chức tín dụng lành mạnh, hoạt động bình thường.

Còn tại MB, Phó tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng đã được trình và thông qua tại phiên họp thường niên năm trước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện do các bước thủ tục kéo dài.

Trong đó, việc thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc theo quy trình phải mất khoảng 11 tháng. Việc này đã bắt đầu từ tháng 3 năm nay và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 sẽ hoàn tất. Khi đó, MB mới có thể thực hiện các bước còn lại để nhận chuyển giao.

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết VPBank là một trong 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém song vẫn đang trong quá trình nghiên cứu triển khai. Ông không tiết lộ đơn vị sẽ nhận chuyển giao.

Còn tại HDBank, ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông phương án góp không quá 9.000 tỷ đồng cho ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng yếu kém sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank.