Tiền ngân hàng đang chảy đi đâu?
(Dân trí) - Tiền huy động từ dân cư vẫn tăng trưởng tốt, bất chấp doanh nghiệp kêu khát vốn vẫn không vay được. Vậy tiền đang chảy đi đâu?
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền huy động từ dân cư vẫn tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm nhưng tín dụng lại tăng chậm. Trong khi đó, tiền huy động từ cư dân không thể nằm im trong tài khoản ngân hàng mà buộc phải sinh lời. Thực tế này vẫn khiến không ít câu hỏi đặt ra về đích đến của dòng tiền trong nền kinh tế.
Diễn biến trái chiều giữa đầu vào - đầu ra của dòng tiền
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, 3 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào ngân hàng 415.000 tỷ đồng - mức cao nhất 10 năm qua. Lượng tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đến hết quý I năm nay đạt trên 6,28 triệu tỷ đồng. Tính từ đầu năm, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng 7,08%.
Từ đầu năm, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh, nhưng dường như không làm kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn. Theo số liệu phóng viên Dân trí thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến hết quý đầu năm đạt hơn 8,64 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp đầu tháng 6 trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã nêu một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp. Theo bà, một trong các lý do là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.
Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không có đầu ra, không có đơn hàng. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 nên cũng không đủ điều kiện vay vốn. Khoảng 96-97% doanh nghiệp hiện nay thuộc diện SME, quy mô cũng như tài sản, uy tín thấp nên việc tiếp cận vốn ngân hàng càng khó. Chưa kể, tín dụng bất động sản tăng chậm, dù là lĩnh vực có mức tăng cao nhất.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, giám đốc một doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp và cung cấp vật tư xây dựng tại Hà Nội, cho biết lãi suất cho vay đã giảm so với trước đây. Mức lãi suất trước đây là 8,5-9%/năm, sau đó tăng lên hơn 10%/năm, giờ đã hạ về khoảng 9,5-10%/năm cho các khoản vay ngắn hạn 6 tháng.
Anh này cho biết về thủ tục hồ sơ vẫn như trước, không bị siết chặt. Tuy nhiên, năm nay việc kinh doanh kém, đầu ra không có đơn nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp đã suy giảm khi phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc từ bất động sản đang "đóng băng". Hơn một năm chìm trong khủng hoảng, doanh nghiệp bất động sản đang vật lộn tìm cách sống sót và chờ những phương án hỗ trợ khả thi. Ngân hàng thì không thể cho doanh nghiệp vay nếu như phía doanh nghiệp đi vay không có thế chấp.
Doanh nghiệp không vay được, thế nhưng huy động tiền vẫn tăng. Báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chất lượng tín dụng có phần xấu đi.
Vậy thực chất, các "nhà buôn tiền" đã để tiền vào đâu để thu lãi? Nhiều giả thiết được đặt ra xoay quanh đường đi của dòng tiền.
Tiền đi đâu?
Đầu tiên, ngân hàng vẫn tăng lượng huy động nhưng là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn. Theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), việc nhiều doanh nghiệp không trả được nợ sẽ buộc phải đáo hạn để lấy lại tiền.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tiền gửi của tổ chức kinh tế vào hệ thống tín dụng đã có dấu hiệu đi xuống từ cuối năm 2022. Quý I năm nay, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng giảm gần 4,9% so với đầu năm, xuống còn 5,66 triệu tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với diễn biến tiền gửi cư dân. Việc này, theo các chuyên gia, về lâu dài sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế.
Nhưng tín dụng 5 tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng 3,17%. Còn nếu tính 3 tháng đầu năm, khi tăng trưởng huy động vẫn cao, tín dụng chỉ tăng 2,06%. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản, còn nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
Tiền của ngân hàng, một phần cũng có thể được dùng để tiếp tục trích lập dự phòng, trong bối cảnh nợ xấu đang "phình to". Số dư nợ xấu tại thời điểm cuối quý I tăng khoảng 24% so với hồi đầu năm. Nhiều đơn vị có số dư nợ xấu tăng 2 chữ số. VPBank, Vietbank, ABBank, VIB thậm chí ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%.
Mới đây, khi Thông tư 02 được ban hành, các nhà băng có thể sẽ lại phải tăng trích lập dự phòng này, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.
Tỷ lệ trên 100% tương ứng trong trường các khoản nợ xấu không thể thu hồi, ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này, không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Những nhà băng có tỷ lệ này ở dưới 100% có thể kể đến VPBank, BVBank, VIB, ABBank, Eximbank…
Vốn huy động của các ngân hàng, theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân hàng ngại cho vay ra ngoài, một phần cũng tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng, có thể kể đến một kênh an toàn là trái phiếu Chính phủ.
Số liệu 5 tháng đầu năm từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 162.952 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 48,4% kế hoạch phát hành quý II và 40,74% kế hoạch cả năm; tăng 188,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về lượng giao dịch từng tháng, khối ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng về giá trị giao dịch so với toàn thị trường luôn ở mức trên 70%, còn lại là khối công ty chứng khoán.
Theo ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam, trong bối cảnh ngân hàng không có nhiều động lực cho vay, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng là một trong nhiều kênh, tuy nhiên con số trên cũng chưa quá lớn.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng sụt giảm từ đầu năm. Nhưng lãi suất liên ngân hàng cũng thấp chỉ được 3-4%, trong khi ngân hàng còn dư nhiều tiền mà không cho vay được. Trong số các giấy tờ có giá, trái phiếu Chính phủ cũng có tính thanh khoản rất cao trên thị trường thứ cấp. Đầu tư vào khoản này, cũng là cách các nhà băng làm dày hơn "tấm đệm" thanh khoản của mình.
Tuy nhiên, một câu chuyện đặt ra khi đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là ngân hàng không đổ vốn vào nền kinh tế. Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Độ, ngân hàng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì huy động vốn lãi cao nhưng không cho vay được. Không cho vay ra được nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi. Nếu tình trạng này kéo dài thì ngân hàng lỗ nặng.
"Trong ngắn hạn, trái phiếu Chính phủ là kênh phù hợp", ông Độ nói.
Ngân hàng, một phần, cũng có thể đang phải ôm vốn. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trong cuộc họp hồi cuối tháng 5, cho rằng bên cạnh vấn đề khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp với ngân hàng, thì có thực tế là các ngân hàng cũng đang "đỏ mắt" tìm doanh nghiệp để cho vay. "Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng khó mà sống khỏe", ông Chi nói.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất điều hành. Đây được coi là bước đi định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường. Hiện tại, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi vay 0,5-1 điểm % với các khoản cũ. Hàng loạt đơn vị cũng thông báo giảm đồng loạt 0,5-1,5 điểm % với tất cả khoản vay lãi suất thả nổi. Điều này, được giới chuyên gia kỳ vọng phần nào cải thiện được sức hấp thụ vốn đang yếu của nền kinh tế.
Nội dung: Thảo Thu