Phó Thống đốc: Không có chuyện tăng tín dụng ảo
(Dân trí) - Việc tín dụng tăng mạnh những tháng cuối năm làm dấy lên nghi ngờ tín dụng có dấu hiệu tăng ảo. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, tín dụng các năm thường thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm.
Việc tín dụng tăng mạnh những tháng cuối năm làm dấy lên nghi ngờ tín dụng có dấu hiệu tăng ảo. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, tín dụng các năm thường thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm.
“Nằm đúng trong biên độ định hướng từ đầu năm, tín dụng các năm qua thường tăng thấp tháng đầu năm và tăng cao cuối năm. Đặc biệt, tín dụng có năm tăng 3-5% trong tháng 12 vì các khoản tín dụng đẩy mạnh cho mua sắm, dự trữ hàng tết. Bản thân các tổ chức tín dụng khi cấp, số liệu báo cáo phải tuân thủ quy định phản ánh đúng thực trạng”, bà Hồng khẳng định.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Dù tín dụng tăng khá mạnh song vẫn chậm hơn tốc độ huy động vốn. Tính đến 19/12, huy động vốn tăng 15,15%, trong đó huy động bằng VND tăng khá cao 16,31% so với cuối năm 2013. Tổng phương tiện thanh toán tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14 - 15% đề ra đầu năm.
Năm 2015, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 13 - 15%. Con số này được đưa ra trên cơ sở cân nhắc các chỉ tiêu GDP, lạm phát, cung cầu vốn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Hồng, công cụ lãi suất của NHNN phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt CPI. Đến nay, dự báo 2014 lạm phát khoảng 2%, có dự báo thấp hơn.
“Tuy nhiên, số liệu lạm phát bình quân so với 11 tháng năm ngoái, vẫn trên 4%. Nhìn tương lai mục tiêu lạm phát Chính phủ đặt ra 5% như vậy điều hành chính sách tiền tệ cho mục tiêu 5% về cơ bản ổn định. Tất nhiên, trong khi điều hành bám sát từng tháng”, bà Hồng cho biết.
Lãi suất cho vay còn giảm tiếp
Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, mặt bằng lãi suất năm 2014 giảm 1,5-2% với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc NHNN cần tính chuyện bỏ trần lãi suất. Về vấn đề này, bà Hồng cho biết, trần lãi suất đã được dần dỡ bỏ kỳ hạn trên 12 tháng, trên 6 tháng nay chỉ áp dụng dưới 6 tháng.
“Theo dõi diến biến thấy, nhiều tổ chức đã hạ lãi suất thấp hơn trần quy định. Trần lãi suất ở đây được hiểu như barie để qua đó, các ngân hàng có lợi thế có thể huy động thấp hơn, ngân hàng nhỏ có thể huy động ở mức sát trần. Mức trần hiện nay tạo ra sự linh hoạt về lãi suất theo cung cầu vốn trên thị trường. Tuy nhiên, NHNN sẽ cân nhắc các yếu tố ổn định vĩ mô, an toàn hoạt động ngân hàng và khả năng kiểm soát của các tổ chức tín dụng, khi có điều kiện sẽ bỏ trần huy động”, bà Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hồng, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay đã được Chính phủ chỉ đạo giảm. Lãi suất này thường được các TCTD đặt ra trong quan hệ chặt chẽ với lãi suất huy động. Lãi suất huy động phù hợp với nguồn cung vốn trung, dài hạn.
“Các TCTD lường đón được lãi suất trong dài hạn, bản thân TCTD quy định mức lãi suất thấp như trần trung, dài hạn sẽ rất khó. Cho nên bằng cách thức cân đối vốn, các TCTD sẽ có định hướng giảm lãi suất. Trong cuộc họp trước, Thống đốc hiệu triệu kêu gọi các TCTD áp dụng trần cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với trung, dài hạn. 4 ngân hàng thương mại đã vào cuộc mạnh mẽ”, bà Hồng cho biết.
Cũng tại cuộc họp báo, thông tin từ đại diện Vietcombank cho biết, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất huy động. Từ trước đến nay, danh mục huy động và cho vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ tương đối lớn nên nguồn trung, dài hạn bị hạn chế. Theo đó, lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ.
“Tại Vietcombank, 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm 40-45% dư nợ cho vay. Còn lãi suất ngắn hạn đã giảm xuống trần 7%, trung và dài hạn đã về mức hợp lý. Nếu có điều kiện hạ lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ tiếp tục có điều kiện giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn”, đại diện Vietcombank nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền