Phế liệu đổ bộ cảng biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên xử lý nghiêm khắc

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phải có biện pháp nghiêm khắc xử lý nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp, chủ tàu, hãng tàu lợi dụng nhập phế liệu vào nước ta nhưng không thể xử lý được đối tượng.

Trước đó, thông tin báo chí cho biết về tình hình nhập khẩu phế liệu diễn ra phức tạp, chưa có cơ chế phối hợp liên ngành và pháp lý ràng buộc trách nhiệm của chủ tàu, hãng vận tải ở trong và ngoài nước. Vì thế, khi có vi phạm về hoạt động nhập khẩu phế liệu không thể xử lý chủ tàu và hãng vận tải biển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải có biện pháp nghiêm khắc xử lý phế liệu nhập khẩu
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải có biện pháp nghiêm khắc xử lý phế liệu nhập khẩu

Chính vì điều này, thời gian vừa qua tại một số cảng biển như TP. HCM, Hải Phòng đang tồn hàng trăm, nghìn container phế liệu nhập khẩu vô chủ, đã quá thời hạn quy định.

Việc tồn tại nhiều container vô chủ, quá thời hạn thông quan khiến ảnh hưởng đến kho cảng, bốc dỡ và môi trường ở các cảng biển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có biện pháp nghiêm khắc để xử lý những vụ việc nói trên.

Chủ đề nhập phế liệu bắt đầu nóng trở lại từ quý II/2018 khi hải quan một số tỉnh "kêu cứu" vì bị doanh nghiệp, hãng tàu bỏ bom rác thải ở cảng.

Trước đó, trong tháng 6/2018, Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan về tình trạng ùn ứ nghiêm trọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển thuộc quyền quản lý hải quan của đơn vị này.

Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trên địa bàn hiện có 3.000 container hàng tồn đọng trong thời hạn và quá thời hạn quy định, gây ô nhiễm môi trường, ứ đọng tại kho hải quan buộc phải tiêu huỷ.

Hoạt động phế liệu nhập khẩu về Việt Nam trong đó có giấy vụn, ác quy, đồ điện tử cũ - tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy tính, đầu kỹ thuật số hoặc sắt thép phế liệu đổ dồn về Việt Nam phần lớn do đầu mối nhập khẩu phế liệu lớn nhất là Trung Quốc đã cấm nhập từ cuối năm 2017. Việc Trung Quốc cấm nhập phế liệu, khiến đường đi của mặt hàng "không mong muốn" này đổ về Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác.

Cuối tháng 6/2018, trước việc nhập phế liệu về Việt Nam nóng lên, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan địa phương kiểm định hàng hóa khai báo phế liệu trước khi thông quan.

Cụ thể, đối với hàng hóa khai báo là phế liệu NK, khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu NK. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa NK để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam tính đến ngày 15/7 là 2,6 triệu tấn, kim ngạch hơn 950 triệu USD, tăng trên 20% về lượng và 50% về trị giá.

An Linh

Phế liệu đổ bộ cảng biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên xử lý nghiêm khắc - 2