1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phát hiện văn bản sai, hãy báo ngay Thủ tướng để bãi bỏ!

(Dân trí) - Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ có quyền đình chỉ, bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, của UBND các tỉnh, huyện nếu các văn bản đó trái luật, vượt thẩm quyền. Vì vậy, trong thời gian tới, người dân và doanh nghiệp (DN) thấy những văn bản nào như vậy, hãy gửi Thủ tướng để bãi bỏ.

Đây là khẳng định của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPVP), Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ông Hà lý giải, tinh thần của Chính phủ là trong thời gian tới sẽ quyết tâm lấy nhu cầu của người dân, doanh nghiệp làm đối tượng, lấy sự hài lòng làm mục tiêu phục vụ.

“Trong luật, Thủ tướng có quyền đình chỉ, bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, UBND tỉnh sai với thẩm quyền và trái luật và trái quy định cấp trên. Như vậy, các DN có quyền gửi lên Thủ tướng kiến nghị đình chỉ những văn bản, công văn trái thẩm quyền, sai quy định. Mới đây, ở vụ quán cà phê Xin Chào, Thủ tướng đã thực hiện quyền hạn và chức năng của mình, trong thời gian tới, các DN hãy gửi ý kiến lên Thủ tướng để xem điều hành chính sách ở địa phương có chuyển biến không”, Phó Chủ nhiệm Hà nhấn mạnh.

Ông Hà nói, tôi vừa nghe một đại diện ô tô cho biết, họ bị cấm kinh doanh vật tư, vật liệu theo một Thông tư cấp Bộ, trong khi đó giấy phép kinh doanh của họ vẫn đăng ký kinh doanh. Như vậy, rõ ràng các điều kiện kinh doanh này trái với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. DN hoàn toàn có quyền đề xuất với Thủ tướng, với Chính phủ đình chỉ Thông tư trên.

“Sau hội nghị gặp gỡ các DN của Thủ tướng tại Tp HCM vừa diễn ra được chưa đầy 1 tháng trước, rất đông ý kiến của DN kiến nghị Chính phủ về những vướng mắc, khó khăn. Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 6/2016 các đơn vị Bộ, ban ngành và địa phương tồn tại những vướng mắc bị nêu phải giải quyết xong”, ông Hà cho biết.

Theo ông Hà: “Cơ quan Nhà nước có giải quyết được hay không những ý kiến phản hồi về hạn chế trong chính sách thì phải rõ ràng, dứt khoát. Tinh thần là không để quản lý Nhà nước yếu kém đi”.

Về các chỉ tiêu cải cách tại Nghị quyết 19 năm 2016, vị đại diện Văn phòng Chính phủ khẳng định: "Chúng ta đưa ra Nghị quyết đến nay là 3 năm rồi nhưng một số hạn chế thực thi vẫn còn, trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, ý kiến của người đứng đầu Chính phủ để đưa vào Nghị quyết thực hiện với tinh thần đổi mới cách làm, cách kiểm tra".

Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải ký cam kết bằng con số về các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết 19 như: giảm thời gian nộp thuế, hải quan, giảm thời gian tiếp cận đất đai, tăng hiệu lực thực thi pháp luật... và tiến độ là mỗi quý sẽ báo cáo lên Chính phủ về việc thực hiện. Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với các cơ quan để triển khai Nghị quyết có hiệu lực hơn, cho DN dễ thở và an toàn hơn.

Theo ông Hà, để tăng cường hiệu quả thực hiện và giám sát thực hiện, Nghị quyết 19 năm 2016 sẽ mở rộng giám sát ra nhiều tổ chức, đơn vị cơ sở.

"Ngoài các tổ chức giám sát thuộc Nhà nước và các tổ chức đánh giá quốc tế, Chúng tôi kiến nghị mở rộng phạm vi giám sát thực hiện Nghị quyết 19 ở cơ sở để đảm bảo tăng tính thực tiễn và đời sống của chính sách. Các cơ quan như Mặt trận Tổ Quốc ở các địa phương, các liên đoàn lao động, hội nghề nghiệp có quyền giám sát các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện các cam kết giảm thời gian nộp thuế, hải quan, tăng tính tiếp cận đất đai và các thủ tục liên quan thành lập hoặc phá sản doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyền

Phát hiện văn bản sai, hãy báo ngay Thủ tướng để bãi bỏ! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm