1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất ngân hàng:

Phân tách và độc quyền trên thị trường tiền tệ?

Thị trường tiền tệ Việt Nam đang diễn ra nghịch lý: cung về vốn ngắn hạn tăng hơn cầu, nhưng lãi suất vẫn có xu hướng tăng. Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy đã phải yêu cầu các ngân hàng thương mại kiềm chế việc tăng lãi suất huy động và hạn chế nâng lãi suất cho vay nhưng dường như vẫn không làm dịu được sức “nóng” lãi suất.

Áp lực về mặt bằng lãi suất mới

 

Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng nhẹ so với đầu năm. Điều đáng lo ngại là lãi suất tăng trong khi nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng vẫn dư thừa, cung-cầu vốn ở mức bình thường, lãi suất VND chênh lệch dương so với lạm phát (cao hơn lạm phát) khoảng 2%/năm.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong 6 tháng, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn tăng nhẹ, đối với lãi suất VND tăng khoảng 0,12%-0,24%/năm, còn lãi suất đồng USD tăng khoảng 0,1%-0,3%/năm.

 

Đầu tháng 7/2006, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 5% lên 5,25%/năm, nhiều ngân hàng trong nước không thể “kìm” được áp lực, tiếp tục tăng lãi suất huy động.

 

Đầu tiên là Eximbank điều chỉnh lãi suất huy động USD, với mức tăng 0,2%-0,6%/năm, tùy theo các kỳ hạn. Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng tăng lãi suất tiền gửi VND cho tất cả kỳ hạn, mức tăng có biên độ từ 0,24% đến 0,60%/năm.

 

Mới đây, lại đến Ngân hàng Công thương Việt Nam điều chỉnh biểu lãi suất huy động USD. Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Các doanh nghiệp Ngoài quốc doanh (VPBank) tăng lãi suất USD và VND ở tất cả kỳ hạn.

 

Không tiếp cận được nguồn vốn của các “đại gia”

 

Vậy, sự thật có phải do áp lực lãi suất từ bên ngoài hay không? Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, việc quyết định lãi suất bao nhiêu tùy thuộc vào từng ngân hàng trên cơ sở cung-cầu vốn cũng như kế hoạch kinh doanh của họ. Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận có một số ngân hàng không có cái nhìn đầy đủ về lãi suất, sợ bị tụt hậu nên cố huy động vốn vào khiến lãi suất có nhích lên, dù về tổng thể thị trường là dư thừa vốn khả dụng.

 

Nhìn nhận một cách sâu sắc về diễn biến tiền tệ nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng chính sự phân tách và độc quyền đã dẫn đến nghịch lý giữa lãi suất và cung cầu vốn.

 

Bà Thanh cho biết, trong một cuộc trao đổi với một số NHTM cổ phần có quy mô nhỏ và các NHTM Nhà nước để tìm hiểu vấn đề này, giám đốc một NHTM cổ phần có nói, thực tế nguồn vốn huy động của ngân hàng không đủ đáp ứng cho nhu cầu vay vốn, trong khi chưa thể tiếp cận được nguồn vốn của các “đại gia”, nên buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn.

 

Trong khi đó một số NHTM có quy mô lớn, nhất là các NHTM Nhà nước, huy động nguồn vốn nhiều hơn nhu cầu cho vay ra, nhưng lại không dám hạ lãi suất để giảm nguồn vốn vào, vì sợ mất khách hàng.

 

Mặt khác, tâm lý sợ mất khả năng thanh khoản do sự kém thông suốt của thị trường, buộc các “đại gia” có nhu cầu thanh khoản hàng ngày lớn và rất biến động phải để mức dự trữ thanh khoản lớn.

 

Điều này phản ánh sự phát triển của thị trường liên ngân hàng còn rất hạn chế, đồng thời cho thấy việc quản trị nguồn vốn của các NHTM còn có những bất cập nhất định.

 

Mới đây, FED tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong nửa cuối năm nay. Cùng với tác động này, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao, nên có thể thấy trước cuộc đua lãi suất của các NHTM còn khả năng “leo thang” trong thời gian tới.

 

Nếu những bất cập trên không sớm được khắc phục, chắc chắn nền kinh tế sẽ bị tổn hại.

 

Theo Minh Giang

Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm