Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:

“Phải chấp nhận lạm phát một chút…”

(Dân trí) - “Phải chấp nhận lạm phát một chút, tăng trưởng không cao. Phải khắc phục căn bản căn bệnh trầm kha là đầu tư dàn trải nhưng vẫn phải đầu tư hạ tầng nông thôn, thủy lợi… để đời sống nâng lên” - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến.

Hiệu quả đầu tư, nói mãi chẳng ai nghe
 
Tại buổi thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đã đề nghị xem xét lại chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, một vấn đề đã nói mãi nhưng chẳng có ai nghe.
 
“Phải chấp nhận lạm phát một chút…” - 1
Đại biểu đề nghị cần xem lại chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư (ảnh Việt Hưng)
 
Theo ông Cuông, nếu nhà nước cấp tiền cho công ty này, công ty kia mà ko phát triển được thì nên để cho dân doanh vay thông qua ngân hàng. Vụ Vinashin chúng ta đã phải trả phí rất cao.
 
“Nếu thí điểm mà thế này thì phải xem xét lại việc thí điểm. Cứ vung tiền như thế trong khi tiền lương giáo viên ngoài công lập quốc hội kêu mãi mà chẳng được…” - đại biểu này nói.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) còn cảnh báo, nếu chúng ta chỉ chạy theo tăng trưởng GDP thì sẽ hối hận. Bởi trong con số phản ánh GDP này có cả nợ, có cả thất thoát, cả bao nhiêu nghìn tỷ của Vinashin…
 
Nếu chúng ta cứ tiếp tục bao cấp thêm “màu sắc” trục lợi, tập đoàn kinh tế cứ hết vốn lại được rót, lại còn vay nước ngoài, nợ công ngày càng tăng. Đây là một bệnh hết sức nguy hiểm.
 
Trong khi đó, cơ chế quản lý kinh tế lại có nhiều sơ hở. Thể chế hoàn thiện chậm, quản lý vốn và tài sản bị buông lỏng, nhiều doanh nghiệp tập đoàn kinh tế đầu tư dàn trải, thua lỗ kéo dài nhưng chậm xử lý.
 
Đáng chú ý là chủ trương đa ngành đa nghề đã mở rộng quyền cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Có những tập đoàn luôn luôn kêu là thiếu vốn mà cứ đem đi đầu tư những chỗ khác.
 
“Trong khi đó, hiệu lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao, nhiều vi phạm chậm phát hiện, khi phát hiện ra thì hậu quả quá lớn. Chúng ta luôn chỉ ra rằng cơ chế còn nhiều bất cập, nhưng cơ chế cụ thể là gì chứ cơ chế cũng do ta “đẻ” ra. Thanh tra do ai tổ chức? Nếu ko phát hiện thì hẳn là ta “đóng dấu” cho các sai phạm này” - Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc lên tiếng.
 
Lạm phát 8% là thành công
 
“Phải chấp nhận lạm phát một chút…” - 2
Đại biểu Trần Du Lịch (ảnh Việt Hưng)
 
Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TPHCM) cho rằng trong lĩnh vực kinh tế năm 2010, kế hoạch đặt ra từ đầu năm là ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý thì cho tới thời điểm này là đạt được.
 
"Riêng về chỉ số giá tiêu dùng, vì đầu năm chúng ta giải quyết mâu thuẫn của bài toán kinh tế, vừa muốn phục hồi tăng trưởng mà lại vừa muốn kiềm chế lạm phát, ngược hoàn toàn. Vì thế, tôi cho rằng lạm phát giữ ở một con số, dù có 8% hay hơn một chút vẫn là thành công" - ông Lịch nói.
 
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) cho rằng: Hiện giá cả hàng hóa, giá vàng tăng chưa từng có, giá USD cũng vậy, kèm thêm thuốc chữa bệnh, lãi suất tương đối cao...Vì thế, cần tập trung lực lượng để kiềm chế lạm phát, nhất là cuối năm.
 
Dưới cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch đã chỉ ra 6 tồn tại và thách thức rất lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, từ sức cạnh tranh yếu đến nhập siêu tăng, đầu tư công tràn lan, bẫy tự do thương mại rình rập...
 
Đại biểu Lịch cho rằng, nhập siêu là căn bệnh trầm kha do cơ cấu: "Năm nay thu ngân sách vượt, nhưng vượt từ đâu ?. Thử phân tích ở TPHCM thì thấy, năm nay thu vượt là tiền đất từ năm ngoái, còn thu thuế không vượt nhiều, trong đó thuế xuất nhập khẩu đạt cao - tuy nhiên lại chủ yếu là thuế nhập khẩu. Vậy nhập siêu càng lớn thì thu thuế càng cao".
 
Với bẫy tự do hóa thương mại, sau khủng hoảng, các nước lớn nhỏ trên thế giới đều có xu hướng bảo hộ rất lớn, kỹ thuật bảo hộ, nhưng chúng ta sử dụng không đáng kể. "Tôi cho rằng không chuẩn bị tốt thì trong vài năm tới, chúng ta sẽ sập bẫy này, nghĩa là nếu không tận dụng được thì chúng ta trở thành hậu quả, nạn nhân" - đại biểu Lịch cảnh báo.
 
“Phải chấp nhận lạm phát một chút…” - 3
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh Việt Hưng)
 
Xét các vấn đề xã hội trong mối liên hệ mật thiết với phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam trên 1.100 USD/người/năm và lên 1.300 USD trong năm tới.
 
Tuy nhiên nếu tính ở các tỉnh thì có 80 - 90% dân số sống ở nông thôn, thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình cả nước; có gần 10% hộ nghèo với thu nhập bình quân chỉ 200 nghìn đồng/tháng.
 
“Do vậy, chúng ta phải chấp nhận lạm phát một chút, tăng trưởng không cao lắm. Phải khắc phục căn bản căn bệnh trầm kha là đầu tư dàn trải nhưng vẫn phải đầu tư hạ tầng nông thôn, thủy lợi… để đời sống nâng lên. Tuy việc đầu tư này chưa phát huy hiệu quả ngay nhưng lợi rất lớn về xã hội và phát triển bền vững” - Phó Thủ tướng nói.
 
Lan Hương - Nguyễn Hiền