1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó tránh lạm phát cao kéo dài

Mặt bằng giá cả của thị trường nước ta vẫn còn thuộc “vùng trũng” của khu vực và thế giới. Do vậy, việc nó tăng nhanh để tiệm cận với mặt bằng giá cả thế giới là một phản ứng bình thường.

Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua những yếu kém chủ quan trong việc điều hành đã đẩy lạm phát tăng nhanh.

Khó tránh lạm phát cao kéo dài - 1
Một yếu tố khách quan khác khiến lạm phát của nước ta tăng nhanh chính là lạm phát do cầu kéo mạnh lên.
 
Có lẽ, vì quá bức xúc, cho nên một quan chức cấp cao của Quốc hội vừa mới đặt câu hỏi: “...chúng ta tăng trưởng để làm gì khi CPI cứ ở mức 7-8%?”, hay đòi hỏi “...năm nay phải khác chứ!” Bởi lẽ, “có thời kỳ CPI ở mức 19%, mà chúng ta còn hạ xuống được 7% và giữ ở mức này. Như vậy, lẽ ra con số này của năm 2010 phải thấp hơn mức 7%”.

Hơn thế, nếu xét rộng hơn, có thể thấy, “đối với các nước, khi CPI lên mức 2-3%, người ta đã phải tính toán về giá cả rồi. Nhưng bây giờ chúng ta nói tăng 8% vẫn là hợp lý thì tôi không hiểu hợp lý như thế nào?”.

Sự bức xúc này không phải không có cơ sở, nhưng cũng không thể phủ nhận những nguyên nhân khách quan khiến cho CPI của nước ta những năm gần đây tăng rất cao và rất khó lường.

Trước hết, theo các số liệu thống kê và ước thực hiện năm nay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhịp độ lạm phát tính theo giá tiêu dùng bình quân của nước ta trong vòng bảy năm 2004 - 2010 cao ngất ngưởng ở mức 10,3%/năm, tuy chưa phải là kỷ lục, nhưng cũng gấp 2,7 lần so với bình quân chung của toàn thế giới, gấp 5,3 lần của các nước phát triển và gấp 2,1 lần so với của các nước đang phát triển ở châu Á.

Mặc dù vậy, nếu cho rằng đó là điều không bình thường, và do vậy, có thể kéo lạm phát xuống thấp, chí ít là ngang bằng với các nước đang phát triển châu Á (4,9%/năm), thì đó lại là điều duy ý chí, bởi ba nguyên nhân khách quan và chủ quan chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, do vẫn còn ở trình độ phát triển kinh tế rất thấp và mặt bằng giá cả lại càng thấp hơn, cho nên giá cả tăng nhanh là một hiện tượng hoàn toàn bình thường trong đời sống kinh tế thế giới.

Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với thu nhập quốc gia (Gross National Income - GNI) bình quân đầu người 1.010 USD năm 2009, cho dù đã “bước được một chân vào đại gia đình” các quốc gia có thu nhập trung bình của thế giới, nhưng chưa bằng 1/3 mức thu nhập thực tế 3.400 USD của nhóm này và 1/8 của toàn thế giới (8.751 USD), thậm chí chỉ bằng 2,6% của nhóm các quốc gia có thu nhập cao, còn vị trí của chúng ta trong số 213 quốc gia là thứ 172.

Thực tế đó có nghĩa là, “túi tiền” của dân nước ta vẫn còn rất “lép”.

Tuy nhiên, nếu tính theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity - PPP), hay USD quốc tế (International Dollar), vị thế này của dân cư nước ta lại được cải thiện rất đáng kể. Đó là, với 2.850 USD, thu nhập bình quân đầu người của nước ta gần bằng 45% của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình (6.340 USD), bằng 26,9% của toàn thế giới (10.614 USD) và 7,8% của nhóm các quốc gia có thu nhập cao, tức là đều tăng gấp 2,82 lần, còn vị trí trong số 213 quốc gia được cải thiện 12 bậc và leo lên vị trí thứ 160.

Những điều nói trên có nghĩa là, sức mua thực tế của mỗi USD trên thị trường nước ta cao gấp 2,82 lần, trong khi của nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình chỉ là 1,86 lần, của toàn thế giới chỉ là 1,21 lần, thậm chí của nhóm các quốc gia có thu nhập cao bị “co lại” chỉ còn 95,6%.

Điều đó cũng có nghĩa là, tuy chưa đến mức kỷ lục, nhưng mặt bằng giá cả của thị trường nước ta vẫn còn thuộc “vùng trũng” của khu vực và thế giới. Do vậy, việc nó tăng nhanh để tiệm cận với mặt bằng giá cả thế giới là một phản ứng bình thường và lịch sử phát triển kinh tế của nhiều nước cũng cho thấy điều này.

Các số liệu thống kê của các nước phát triển trong gần một thế kỷ qua cho thấy, Australia chẳng hạn đã phải trải qua gần hai thập kỷ liên tục (1971-1990) lạm phát tới 6,0-15,3% mỗi năm, hoặc Hàn Quốc có tới 27 trong số 30 năm thời kỳ 1953-1982 có mức lạm phát dao động trong khoảng 6,6-68,3%, còn nước Anh thì phải trải qua gần một thập kỷ rưỡi lạm phát ở mức 6,1-24,2% trong những năm 1970-1985...

Hoặc ở “thì hiện tại”, gắn liền với những thành tựu tăng trưởng kinh tế trong hơn ba thập kỷ cải cách và mở cửa vừa qua, “sản phẩm phụ” mà Trung Quốc dù không muốn, nhưng buộc phải chấp nhận chính là lạm phát cao xấp xỉ 12%/năm trong 10 năm 1987-1996. Đây chính là giai đoạn phát triển có ý nghĩa quyết định trong việc đẩy mặt bằng giá cả của Trung Quốc lên cao, khiến cho sức mua tương đương của mỗi USD trên thị trường này “co lại” chỉ còn 1,85 lần như hiện nay.

Thứ hai, nếu như mặt bằng giá cả thấp là yếu tố mang tính khách quan, vì nó phụ thuộc vào trình độ phát triển, thì việc phụ thuộc hết sức nặng nề vào thị trường nguyên liệu thế giới khiến quy mô nhập khẩu lạm phát tăng vọt và đẩy lạm phát trong nước tăng nhanh lại là nguyên nhân chủ quan.

Các số liệu thống kê cho thấy, “thủ phạm chính” khiến cho độ mở về nhập khẩu hàng hóa bình quân lên tới 82,4% trong bốn năm vừa qua so với “rổ GDP” chính là các nguyên, nhiên, vật liệu, bởi nhóm hàng này chiếm tới 64,5%. Còn nếu so với “rổ GDP” thì tỷ trọng của nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu cũng lên tới 48,2%. Đây chắc chắn là tỷ lệ hiếm có trên thế giới.

Trong điều kiện như vậy, khi giá nguyên liệu thế giới bình ổn như một số năm trước đó thì lạm phát của nước ta tuy có tăng mạnh, nhưng cũng chỉ cao gấp khoảng 1,5-2 lần so với mức bình quân chung của thế giới. Còn khi giá nguyên liệu thế giới liên tục biến động như năm năm 2004-2008, quy mô sốt nóng giá cả thế giới nhập khẩu vào thị trường trong nước tăng vọt và tỷ trọng của nó so với “rổ GDP” cũng quá lớn, cho nên lạm phát cũng tăng mạnh cũng là điều hợp logic.

Hẳn nhiên, một nền kinh tế “méo mó” do đang còn ở trình độ thấp, nhưng lại trong giai đoạn phát triển nhanh là tất yếu khách quan, nhưng việc ồ ạt đầu tư vào khâu hạ nguồn và bỏ mặc khâu thượng nguồn, cũng như vô số các khâu trung gian trong hàng loạt các ngành công nghiệp và xa hơn nữa là việc xuất khẩu hàng loạt nguyên liệu thô trên quy mô lớn khiến hiệu quả rất thấp lại là hành động của chính chúng ta. Rõ ràng, sự khập khiễng trong cơ cấu của nền kinh tế do chính chúng ta góp phần tạo ra và khiến cho chúng ta phải trả giá đắt.

Thứ ba, bên cạnh hai nguyên nhân nói trên, một yếu tố khách quan khác khiến lạm phát của nước ta tăng nhanh chính là lạm phát do cầu kéo mạnh lên.

Đó là, nhịp độ tăng GDP (tính theo USD giá thực tế) ước đạt trên 11%/năm trong vòng 10 năm nay của nước ta cũng thuộc “tốp đầu” của thế giới. Trong điều kiện vẫn còn ở trình độ phát triển rất thấp như đã nói ở trên, tức là dân ta vẫn còn rất “đói tiêu dùng”, thị trường trong nước tăng bùng nổ, do đó lạm phát do cầu kéo đang mạnh lên. Điều này cộng hưởng với hai yếu tố trên càng đẩy lạm phát tăng cao.

Nói tóm lại, từ những yếu tố khách quan nói trên, có thể khẳng định rằng, yêu cầu kiềm chế lạm phát khó có thể thực hiện được trong những năm tới bởi mặt bằng giá cả trong nước tăng lên nhanh để tiệm cận với mặt bằng giá cả khu vực và thế giới theo nguyên lý “bình thông nhau” là một tất yếu khách quan.

Theo Nguyễn Đình Bích
TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm