Phác họa “bức tranh” bất động sản năm con Khỉ

(Dân trí) - Liên tiếp đón nhận những tin vui trên thị trường trong năm 2015 như chính sách kích cầu của Chính phủ, nhiều dự án đã thức giấc sau thời gian dài “ngủ đông”, mua bán sáp nhập (M&A) nhộn nhịp… nhiều doanh nhân, chuyên gia đã bày tỏ sự lạc quan khi phác họa “bức tranh” bất động sản năm con Khỉ.

Thừa thắng xông lên

Thị trường bất động sản (BĐS) lấy lại đà phục hồi từ cuối năm 2014 và có những chuyển biến tích cực trong năm 2015. BĐS không còn là thị trường ảo mà đang tịnh tiến theo xu hướng “chậm mà chắc”.

“Giải mã” cho hiện tượng này, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, giai đoạn đóng băng đã góp phần thanh lọc những dự án không còn khả năng “ngóc đầu”. Nếu trước đây thị trường chưa có nguồn vốn mới mà chủ yếu phụ thuộc vào việc đi vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng thì nay các chính sách tín dụng cho BĐS cũng đã được thông thoáng hơn nhiều. Các nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp sau những “bài học xương máu” mà họ đã đối mặt, trả giá trong thời kỳ đóng băng. Mặt khác, tính công khai, minh bạch của thị trường ngày càng rõ ràng khi nguồn cung phục hồi, nguồn cầu mang tính đầu tư và rất ít xuất hiện người đầu cơ.

Ở phân khúc căn hộ cao cấp cũng có số lượng tăng lên đột biến khi Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam hay các hiệp định thương mại đã khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài mạnh dạn đầu tư.

Phác họa “bức tranh” bất động sản năm con Khỉ - 1

Căn hộ giá dưới 1,5 tỷ vẫn là xu hướng của năm 2016

Nhờ có bước chạy đà khá tốt trong giai đoạn 2014-2015, khi thị trường ở “đỉnh” của nhiều yếu tố thuận lợi hợp thành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS đang “thừa thắng xông lên” để chiếm lĩnh thị trường. Một tập đoàn bất động sản lớn tại TPHCM cho biết đã có trong tay 10 dự án và sẽ lần lượt tung ra thị trường trong năm 2016.

Đón đầu đà hồi phục của thị trường, một đại gia BĐS khác cũng cho biết sẽ triển khai thêm khoảng 500 căn hộ cao cấp và 70 biệt thự trong khu đô thị đang hiện hữu để hoàn tất giai đoạn 1. Ngoài ra, công ty này cũng tập trung nguồn lực để mở rộng đầu tư sang phân khúc BĐS nghỉ dưỡng mà tâm điểm là “đảo ngọc” Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Bức tranh BĐS năm 2016 được dự đoán sẽ có những gam màu đậm cho phân khúc nhà ở, căn hộ, đất nền. Những dự án có mức giá dưới 1,5 tỷ đồng, diện tích vừa và nhỏ ở những khu vực có cơ sở hạ tầng hoàn thiện vẫn là dòng sản phẩm phù hợp với đông đảo người dân Việt Nam.

“Gót chân Asin” của BĐS

TS Vũ Đình Ánh dự báo trong năm 2016, thị trường BĐS sẽ có xu hướng tốt hơn 2015. Thị trường vẫn còn cơ hội để phát triển hơn nữa, tuy nhiên, “nóng sốt” hay không thì vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các bên tham gia thị trường và sự can thiệp của Nhà nước.

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực một tập đoàn BĐS uy tín tại TPHCM cho rằng, nhờ sự cải thiện bước đầu của kinh tế vĩ mô, thị trường nhà đất đã sôi động hẳn lên, nhất là ở TPHCM, Hà Nội. Tuy nhiên, dù khối lượng giao dịch có tăng lên đáng kể và giá bán đã tương đối bình ổn, không còn lao dốc như trước đây nhưng trên thực tế thị trường BĐS vẫn như một "bệnh nhân bị ốm liệt giường" lâu ngày chưa thể phục hồi khỏe mạnh ngay được.

Nhiều lo ngại cho thị trường BĐS khi phân khúc căn hộ cao cấp ồ ạt bung hàng
Nhiều lo ngại cho thị trường BĐS khi phân khúc căn hộ cao cấp ồ ạt bung hàng

“Tâm lý chung của khách hàng và nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong năm 2016 khi thị trường ngày càng minh bạch, nhiều quy định mới được triển khai, áp dụng, chính sách nhà ở, tín dụng đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mất cân đối giữa phân khúc cao cấp và bình dân đang là nỗi lo lớn trong BĐS”, ông Đoàn Thanh Ngọc nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại khi gần đây phân khúc BĐS cao cấp phát triển khá nhanh và đang thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là phân khúc khó bán nhất do giá trị cao, không phù hợp với túi tiền của phần lớn người Việt Nam. Đây là điều đáng quan tâm vì hơn 90 triệu người Việt Nam, thu nhập bình quân chỉ hơn 2.000 USD/năm thì lấy đâu tiền để mua những căn hộ 300-500 nghìn USD.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, đang có hiện tượng “ảo” trong nhu cầu về BĐS cao cấp và nghỉ dưỡng, do đó có thể sắp tới nguồn cung sẽ vượt cầu. Để phòng tránh tình trạng này thì cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan và các ngân hàng. Thị trường cũng cần phải minh bạch, cung cấp thông tin chính xác nhất cho khách hàng, nhà đầu tư. Tránh hiện tượng từ cơn “nóng sốt” này kéo theo không ít doanh nghiệp BĐS không đủ năng lực nhưng vẫn cố vay tiền làm dự án nghìn tỷ, chiếm giữ các vị trí đất vàng nhưng lại “đắp chiếu” nhiều năm trời gây lãng phí cho xã hội.

Nếu không có sự điều tiết và tính toán kỹ lưỡng, phân khúc BĐS cao cấp sẽ là điểm yếu và là “gót chân Asin” khiến thị trường BĐS mất tính bền vững, ổn định lâu dài. Khi đó, bong bóng BĐS có thể quay trở lại và dự báo sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn so với giai đoạn đóng băng trước.

“Hai năm trở lại đây, BĐS phục hồi khá mạnh và nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục tiến trình phục hồi đó trong thời gian tới. Tôi chưa nhìn thấy bong bóng xuất hiện mặc dù giá nhà một vài phân khúc tăng khá mạnh. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, 2016 có thể xảy ra bong bóng BĐS”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Công Quang

Phác họa “bức tranh” bất động sản năm con Khỉ - 3