Petrolimex còn “treo” hơn 1.000 tỷ đồng lỗ lũy kế
(Dân trí) - Trong năm 2014, Petrolimex đã thực hiện bù trừ số lỗ lũy kế 1.314,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2014, số dư lỗ lũy kế còn được bù trừ trong các năm sau là 1.050,5 tỷ đồng.
Sau kiểm toán, Petrolimex từ lãi “biến” thành lỗ!
Nếu như trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của Petrolimex vừa rồi, Tập đoàn này báo lãi khiêm tốn 4,82 tỷ đồng (chủ yếu do quý IV lỗ nặng 1.145,1 tỷ đồng) thì sau kiểm toán, năm 2014, Petrolimex ghi nhận lỗ 9,1 tỷ đồng (so mức lãi thực hiện của năm 2013 là 1.578,9 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn âm 365,2 tỷ đồng (năm 2013 có lãi 1.377,9 tỷ đồng). Qua đó, cổ phiếu của Petrolimex lỗ cơ bản 341 đồng (năm 2013, EPS đạt 1.288 đồng/cổ phiếu).
Lỗ “khủng” quý IV dìm kết quả cả năm của Petrolimex
Trong kết quả lỗ của Petrolimex năm vừa rồi, khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 536,4 tỷ đồng (năm 2013 có lãi thuần 1.225,1 tỷ đồng). Lợi nhuận khác giảm nhẹ, lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết tăng 19,5%.
Đánh giá về bản báo cáo tài chính này, Deloitte cho biết, trong báo cáo này, tại ngày 31/12/2014, giá trị thuần có thể thực hiện được của các mặt hàng xăng dầu tồn kho của Tập đoàn nhỏ hơn giá gốc với số tiền là khoảng 68 tỷ đồng. Trong đó, các mặt hàng bị lỗ với số tiền khoảng 292 tỷ đồng, các mặt hàng có lãi với số tiền khoảng 224 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Tổng giám đốc Petrolimex, giá cơ sở để hình thành giá bán các mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành và theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/11/2014 thì công thức tính giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu, trong khi Tập đoàn phải đảm bảo tồn kho dự trữ một khối lượng xăng dầu trong khoảng 30 ngày. Do vậy, giá bán xăng dầu sẽ điều chỉnh chậm hơn so với biến động về giá xăng dầu đầu vào và khoản giám giá của các mặt hàng xăng dầu tồn kho nêu trên mang tính luân chuyển theo chu kỳ tính giá của Nhà nước.
Theo đó, Ban Tổng giám đốc Petrolimex quyết định không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các mặt hàng xăng dầu tồn kho tại ngày 31/12/2014 và thực hiện hạch toán lãi/lỗ theo thực tế tại thời điểm bán hàng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Deloitte cho rằng, nếu ghi nhận số dự phòng giảm giá hàng tồn kho riêng cho các mặt hàng bị lỗ nêu trên vào năm 2014 thì kết quả kinh doanh của Tập đoàn sẽ giảm một khoản tương ứng với số tiền nêu trên.
Phản hồi ý kiến kiểm toán, trong văn bản giải trình của Petrolimex, Tập đoàn này khẳng định, việc thực hiện lãi/lỗ theo thực tế tại thời điểm bán hàng là phù hợp trong điều kiện Nhà nước điều hành giá bán xăng dầu, đồng thời xu hướng giảm giá dầu thô thế giới trong tháng 12/2014 và tháng 1/2015 đã chậm lại.
Mặt khác, Petrolimex cũng cho biết, việc không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các mặt hàng xăng dầu đã thực hiện từ các năm tài chính trước nên sẽ ảnh hưởng mang tính gối dầu giữa các năm tài chính.
Trở lại với BCTC hợp nhất sau kiểm toán của Petrolimex, thuyết minh báo cáo cho thấy, lỗ lũy kế của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam tại ngày 30/11/2011 với số tiền 2.396,6 tỷ đồng được bù trừ với lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Theo đó, bù trừ lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ với lỗ lũy kế từ ngày 1/1/2010 đến ngày 30/11/2011 và thực hiện trong khoảng thời gian tối đa không quá 5 năm.
Trong năm 2014, Petrolimex đã thực hiện bù trừ số lỗ lũy kế nêu trên với số tiền 1.314,5 tỷ đồng (trong đó, bù trừ với phần lợi nhuận năm 2012 và 2013 với số tiền là 898,3 tỷ đồng và bù trừ với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã ghi nhận thừa năm 2013 với số tiền 31,6 tỷ đồng). Tại ngày 31/12/2014, số dư lỗ lũy kế còn được bù trừ trong các năm sau là 1.050,5 tỷ đồng.
Lỗ do giá xăng dầu liên tục biến động?
Kết quả kinh doanh của Petrolimex đặt trong bối cảnh mặt hàng chủ lực của Tập đoàn này là xăng dầu đã có một năm biến động kỷ lục. Giá xăng điều chỉnh tổng cộng 17 lần (12 lần giảm giá và 5 lần tăng giá). Trong khi đó, dầu diesel giảm 19 lần (6.740 đồng/lít); dầu hỏa có 17 lần giảm (5.940 đồng/lít); dầu mazút có 17 lần giảm (khoảng 5.980 đồng/kg).
So với cuối năm 2013, thời điểm cuối năm 2014, giá xăng đã rẻ hơn 6.330 đồng/lít, tương đương mức giảm 26%; giá dầu diesel giảm 26%; dầu hỏa giảm 22% và dầu mazut giảm 28,2%.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ, mặc dù có nhiều ưu điểm hơn trương song thực tiễn vẫn gây cho doanh nghiệp kinh doanh một số khó khăn như chưa lường hết các yếu tố giá xăng dầu thế giới giảm liên tục, nên không có các điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu Bộ giao; chưa có cơ chế, công cụ điều tiết phù hợp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh kinh doanh nhiên liệu sinh học.
VINPA cho rằng, chính sách, cơ chế của thị trường xăng dầu của Việt Nam bấy lâu nay đã quen và chỉ đối phó với giá dầu tăng, chứ chưa có cách xử lý, đối phó với giá dầu thế giới giảm bất thường như thời gian qua. Năm 2014, nhu cầu xăng dầu trong nước đã giảm khá lớn so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ, một số doanh nghiệp cầm chừng, nguy cơ giảm sút sản lượng bán ra của nhiều doanh nghiệp là hiện hữu. Tóm lại, theo VINPA, thị trường xăng dầu trong nước năm 2014 không mấy sáng sủa; nhiều doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, kinh doanh không có hiệu quả.
12 lần giảm giá xăng trong năm 2014: - Ngày 28/7, xăng lần đầu tiên giảm giá trong năm với mức 330-350 đồng/lít. Trong đó, xăng RON 92 giảm 330 đồng /lít từ 25.640 đồng/lít còn 25.310 đồng/lít. - Ngày 7/8, xăng giảm 500 đồng/lít. Xăng RON 92 giảm từ 25.310 đồng/lít còn 24.810 đồng/lít. - Ngày 18/8, xăng giảm giá 600 đồng/lít về mức 24.210 đồng/lít với xăng RON 92. - Ngày 29/8, xăng giảm 470 đồng/lít còn 23.740 đồng/lít với xăng RON 92 - Ngày 9/9, xăng tiếp tục giảm 30 đồng lít về mức 23.710 đồng/lít với xăng RON 92. - Ngày 30/9, xăng RON 92 và 95 giảm nhẹ 150 đồng/lít về mức 23.560 đồng/lít (RON 92) và 24.160 đồng/lít (RON 95) - Ngày 13/10, xăng giảm 670 đồng xuống còn 22.890 đồng/lít (RON 92) và 23.490 đồng/lít (RON 95) - Ngày 23/10, giá xăng tiếp tục giảm 550 đồng/lít, từ mức 22.890 đồng/lít xuống chỉ còn 22.340 đồng/lít (RON 92) - Ngày 7/11, xăng giảm thêm 950 đồng/lít còn 21.390 đồng/lít với xăng RON 92 - Ngày 22/11, xăng RON 95 và RON 92 cùng giảm mạnh 1.140 đồng/lít, về mức 20.850 đồng/lít (RON 95) và 20.250 đồng/lít (RON 92). - Ngày 6/12, giá xăng giảm thêm 320 đồng/lít xuống dưới mức 20.000 đồng/lít. Cụ thể RON 92 còn 19.930 đồng/lít, xăng RON 95 còn 20.530 đồng/lít. - Ngày 22/12, xăng giảm mức kỷ lục với 2.050 đồng/lít và đưa mức giá bán lẻ xăng RON 92 trên thị trường xuống còn 17.880 đồng/lít, RON 95 còn 18.480 đồng/lít. |
Bích Diệp