Ông Vũ Tiến Lộc: Người kinh doanh hãy trở thành "doanh nhân", đừng là "trọc phú"
(Dân trí) - Cho rằng, khác với các "trọc phú" chỉ biết làm giàu cho cá nhân bất chấp cộng đồng, các doanh nhân lớn luôn gắn sự nghiệp kinh doanh với mục tiêu phụng sự con người , Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, bối cảnh hiện tại với sự minh bạch và bình đẳng sẽ "không còn đất cho quan hệ", doanh nhân, doanh nghiệp muốn thành công phải dựa vào tri thức, công nghệ và quản trị bền vững.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (11/10), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bối cảnh hội nhập hiện nay đang đặt doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức.
Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những yêu cầu, đòi hỏi mới về công nghệ, quản trị... buộc doanh nghiệp, doanh nhân phải đổi mới, phải tự nâng tầm mình, gia tăng năng lực cạnh tranh mới có thể tồn tại.
Nếu như trước đây, những người làm kinh doanh ở Việt Nam có thể trưởng thành, thành công nhờ lăn lộn thương trường, nhờ kinh nghiệm và không cần phải học hành gì.
"Bây giờ người làm kinh doanh phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man như trước", ông Lộc bày tỏ, đồng thời cho rằng, mỗi doanh nghiệp bất kể lớn, nhỏ đều cần phải hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
"Nếu một doanh nghiệp nhỏ nhưng đạt tiêu chuẩn toàn cầu thì sẽ phát triển còn một doanh nghiệp dù lớn nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu thì cũng sẽ khó mà tồn tại lâu dài", ông Lộc nhận định.
Trước đông đảo các doanh nhân có mặt tại hội trường, vị Chủ tịch VCCI cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.
"Một vị Chủ tịch tỉnh gần đây có nói với tôi rằng, bây giờ mà nói tới trái tim của người làm kinh doanh thì có quá xa xỉ hay không? Tôi nói không, bởi nếu kinh doanh không bằng trái tim thì không thể nào bền vững. Những doanh nhân lớn luôn nghĩ về xã hội, nghĩ về dân tộc, nghĩ về con người. Mục tiêu phải là phụng sự con người. Nó không phải là sự sáo mòn mà là chân lý thành công của doanh nhân", ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông, hiện tại không ít người kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa thể trở thành một "doanh nhân" đúng nghĩa mà mới chỉ là "trọc phú", làm giàu cho bản thân nhờ vào các mối quan hệ.
Nay, khi môi trường kinh doanh ngày càng trở nên minh bạch, bình đẳng thì sẽ "không còn đất cho quan hệ". Đồng thời cho rằng, thay vì đầu tư vào quan hệ thì doanh nghiệp, doanh nhân cần nên đầu tư cho công nghệ, quản trị chuyên nghiệp và tập trung cho thị trường.
Lãnh đạo VCCI kể, mới đây một chủ doanh nghiệp ngành dệt may có than thở rằng, vì kinh doanh khó khăn quá nên ban ngày phải làm kinh doanh còn ban đêm phải đi quan hệ. Câu chuyện mang tính bông đùa, giải trí này thực ra phản ánh thực tế đang diễn ra trong môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rất nhiều năm nay.
Doanh nghiệp Việt Nam không những phải đối phó với rủi ro thiên tai, rủi ro thị trường mà còn phải đối phó với rủi ro thể chế, với sự bất định của chính sách. Bên cạnh phải dành nguồn lực cho thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam còn phải dành nguồn lực thiết lập, nuôi dưỡng các mối quan hệ. Thế nên, trong giai đoạn khó khăn vừa qua của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại được chứng tỏ sức chịu đựng, sức chống chịu của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là rất lớn.
Hiện nay, với sự quan tâm của Chính phủ, nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và liêm chính, theo ông Lộc, lúc này, doanh nghiệp chỉ còn phải dồn nguồn lực cho thương trường. "Với điều kiện đó tôi tin là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ vươn lên, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa", ông Lộc đánh giá.
Đây cũng là xu hướng không thể phủ nhận. Theo đó, Chính phủ phải nâng tầm, doanh nghiệp phải nâng bậc, xã hội không còn xin - cho, doanh nhân không còn phải quan hệ nữa. Trí tuệ phải là cốt lõi, sáng tạo phải là động cơ, kinh doanh phải chuyên nghiệp, phải xuất phát từ trái tim. Có như vậy, Việt Nam mới có thể có được những doanh nghiệp lớn mang tầm vóc của khu vực, chứ không chỉ dừng lại là những "đại gia" ngân hàng, bất động sản với quy mô và chất lượng còn hạn chế như hiện tại.
Bích Diệp