Thời doanh nghiệp "chúi đầu" tìm quan hệ, đặc quyền đặc lợi đã qua

(Dân trí) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới, doanh nghiệp nên tập trung vào sáng tạo hơn là quan hệ. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào quan hệ để có được đặc quyền đặc lợi, bây giờ, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch, liêm chính và sáng tạo - như vậy mới đủ sức cạnh tranh.

"Thể chế nào, doanh nhân đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (26/3), ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất.

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận, chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, đóng vai trò mấu chốt trong xã hội.

Trong đó, thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do, quản lý điều tiết quá mức, thiếu sự minh bạch, sự phụ thuộc chính trị vào hệ thống tư pháp sẽ ảnh hưởng tới chi phí rất lớn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho biết, 5 - 7 năm tới sẽ trả lời cho câu hỏi dân tộc Việt Nam có vượt lên, có bứt phá được hay không?

"Chúng ta có một thời cơ thuận lợi khi TPP đã được ký kết. Chúng ta đã vượt lên so với nhiều nước ASEAN và các nước láng giềng bên cạnh. Đây là cơ hội có một không hai khi TPP chưa mở rộng thành viên" - ông Lộc nhìn nhận.

Tuy nhiên, liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không thì câu trả lời lại tùy thuộc vào liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không.

Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên khẳng định Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN theo hướng hiện đại theo chuẩn mực của thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, Đại hội Đảng nhắc đến kinh tế tư nhân là động lực và xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Ông Lộc khẳng định, "thể chế nào, doanh nhân đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Do đó, để Việt Nam trở thành quốc gia có thể chế thuộc dạng hàng đầu thế giới, Chủ tịch VCCI đề nghị, Chính phủ cần một tay cố gắng tạo môi trường bình đẳng, một tay khác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chi phí chính thức đã lớn, chi phí phi chính thức lại càng lớn hơn

Với 96-97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ; 70% là doanh nghiệp siêu nhỏ, ông Lộc đánh giá, từ trước tới nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được ổn định.

Theo đó, chỉ khi nào doanh nghiệp khó khăn thì mới hỗ trợ, nhưng giờ phải thay đổi, phải hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh vươn lên gặp khó khăn tạm thời. Chính phủ cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng nhất để hỗ trợ, để họ có thể vượt lên, trở thành đầu tàu của nền kinh tế. Từ đó Việt Nam mới có những doanh nghiệp tư nhân mạnh, trở thành đối tác của các tập đoàn lớn thế giới, trở thành thương hiệu quốc gia.

"Các doanh nghiệp sẽ đứng trên vai Nhà nước để phát triển. Đây là tư duy cần được áp dụng để phát triển" - ông Lộc nhận định.

Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI, đến nay, gánh nặng hành chính với cộng đồng doanh nghiệp vẫn quá nặng nề, chi phí chính thức đã lớn, chi phí phi chính thức lại càng lớn hơn. Do vậy, cả hệ thống Nhà nước cần phải cắt giảm thủ tục tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh phát triển.

Ông Lộc cũng đánh giá, việc thành lập trung tâm hành chính công là sáng kiến cần được ghi nhận. Tại đây, mọi thủ tục sẽ được công khai, minh bạch, doanh nghiệp và người dân sẽ giám sát được cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trung tâm này sẽ không dùng ngân sách Nhà nước mà được tư nhân xây để chính quyền địa phương thuê lại.

Nếu làm được một số giải pháp nói trên thì Nhà nước không cần tốn tiền đầu tư, thủ tục cho doanh nghiệp cũng thông thoáng và người dân được phục vụ tốt hơn.

Về phía doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp nên tập trung vào sáng tạo hơn là quan hệ. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào quan hệ để có được đặc quyền đặc lợi, bây giờ, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải đảm bảo sự minh bạch, liêm chính, sáng tạo.

"Làm sao việc xây dựng các doanh nghiệp liêm chính sáng tạo phải là trào lưu của doanh nghiệp Việt Nam, là chuẩn mực chính của doanh nghiệp Việt" - Chủ tịch VCCI kỳ vọng. Và như vậy, bên cạnh việc Chính phủ phải nâng cấp mình lên đạt chuẩn mực quốc tế thì doanh nghiệp cũng vậy, đó là yêu cầu quan trọng nhất để Việt Nam có thể thành công.

Bích Diệp

Thời doanh nghiệp "chúi đầu" tìm quan hệ, đặc quyền đặc lợi đã qua - 2