Ông Trương Gia Bình: Có 5 từ khóa quyết định lịch sử nhân loại

Phương Liên

(Dân trí) - Chủ tịch FPT cho rằng 5 từ khóa quyết định lịch sử nhân loại là tuệ, bán, xe, số, xanh. Nói về ngành ô tô, ông nêu thế giới đang luống cuống và cần những người biết về xe, phần mềm và bảo mật...

Đi chậm sau Ấn Độ 15 năm và đuổi mệt vô cùng

Chiều nay (10/4), Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội. 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, Hiệp hội Các ông chủ Nhật Bản đã sang Việt Nam và họ bàn đến 5 từ khóa là trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và ông Trương Gia Bình gọi tắt đó là "tuệ, bán, xe, số, xanh".

Theo ông Bình, đây là 5 từ khóa quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ và tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại. 

Ông Bình cho biết nguồn nhân lực chính là lý do quan trọng giúp Việt Nam được chọn. Các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo, và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Tuy nhiên sau này, lao động tại các nước đấy lại không chọn làm bán dẫn nữa.

Ông Bình cho biết ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.

Chủ tịch Trương Gia Bình dẫn chứng rằng Đài Loan đang xây dựng 40 nhà máy bán dẫn, năm nay khai trương 13 nhà máy bán dẫn nhưng không có lao động. Công ty hàng đầu về làm bán dẫn chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu về lao động.

Hàn Quốc đang xây dựng cả thành phố bán dẫn nhưng không có người. Riêng ngành bán dẫn hiện thiếu 1 triệu lao động.

Ông Trương Gia Bình: Có 5 từ khóa quyết định lịch sử nhân loại - 1

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT (Ảnh: FPT).

Nói về ngành ô tô, ông Trương Gia Bình cho rằng, thế giới đang luống cuống tuyệt đối, và cần những người biết về xe, biết phần mềm, biết bảo mật. Theo ông Bình muốn phát triển nhanh và lớn mạnh chỉ có một cách là đi tiên phong. 

"Chúng tôi đi chậm sau Ấn Độ phải đến 15 năm và đuổi mệt vô cùng cho nên FPT bám rất sát các diễn biến về công nghệ và thường đầu tư trước một bước", ông Bình chia sẻ.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT FPT, cho biết điểm nổi bật trong năm 2023 của FPT là đã đạt được 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài. "Đây là con số rất lâu không chỉ FPT mà toàn bộ người Việt Nam đã mơ ước", ông nói. 

Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, cho biết: "Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, con số 5 tỷ, 10 tỷ đã nằm trong tầm tay".

Ông Khoa cho biết, khi ở đẳng cấp công ty tỷ USD, FPT thu hút nhân tài dễ hơn và tuyển dụng được rất nhiều người giỏi. Năm 2023, tập đoàn đã thành lập FPT Automotive, tham gia vào lĩnh vực công nghệ ô tô và ngay sau khi thành lập đã có 4.000 kỹ sư. Đối với trí tuệ nhân tạo, FPT đặt mục tiêu có 4.000 chuyên gia về AI về FPT trong thời gian tới.

Để duy trì đà tăng trưởng đều và liên tục, Nguyễn Văn Khoa tiết lộ, FPT tập trung vào con người, công nghệ và kỷ luật tăng trưởng. Nói về kỷ luật tăng trưởng, ông Khoa cho biết tất cả lãnh đạo tập đoàn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20%, nếu không đảm bảo được sẽ thay người khác.

Ông Trương Gia Bình: Có 5 từ khóa quyết định lịch sử nhân loại - 2

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT (Ảnh: FPT).

Đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục, phát hành 190 triệu cổ phiếu thưởng

Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 17,5% và 18,2% so với năm 2023.

Nếu đạt được thì đây sẽ là con số lợi nhuận cao kỷ lục của tập đoàn và là năm thứ 7 tăng trưởng liên tiếp. Trong đó, khối công nghệ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Năm 2024, tập đoàn dự chi 6.500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó khối viễn thông sẽ dùng 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.

Công ty sử dụng 2.200 tỷ đồng cho khối công nghệ, trong đó sẽ đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng, 2.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để đầu tư mở rộng khuôn viên đại học, đồng thời mở các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Về phương án phân phối lợi nhuận, FPT đề xuất tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Công ty dự kiến thực hiện chi trả 10% trong năm 2023, trả 10% còn lại sau khi ĐHCĐ phê duyệt. 

FPT dự kiến phát hành thêm hơn 190 triệu cổ phiếu mới, tương đương 15% cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ phát hành là 20:3 tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới.