Ông Phạm Văn Thanh: "Petrolimex sẽ cải cách mạnh mẽ để trở thành tập đoàn năng lượng qui mô lớn"

(Dân trí) - Mặc dù đã được ghi nhận là một trong số ít các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển đổi từ sớm và rất thành công từ mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang mô công ty cổ phần, kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao, nhưng ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện tại vẫn muốn hướng tới những mục tiêu cao hơn nữa. Dân trí đã phỏng vấn ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrolimex về những dự định, chiến lược của tập đoàn này trong giai đoạn tới:

Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex sẽ cải cách mạnh mẽ để trở thành tập đoàn năng lượng qui mô lớn - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thanh:"Chúng tôi muốn đưa Petrolimex trong tương lai sớm trở thành một Tập đoàn năng lượng có quy mô lớn"

"Petrolimex đã có những chuyến biến cả về chất và lượng"

Thưa ông, trong mấy năm qua, Petrolimex là một trong số ít tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển đổi mô hình hoạt động thành công, trở thành một công ty đại chúng có mô hình quản trị hiện đại, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhân dịp đầu năm mới, ông có thể chia sẻ một chút về những thành công đã đạt được của Tập đoàn?

- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã hoàn tất việc cổ phần hóa để chuyển đổi hình thức hoạt động sang mô hình Công ty cổ phần năm 2011 và đã đăng ký chính thức trở thành Công ty đại chúng vào năm 2012. Tuy nhiên phải nói là sau sự ra đời của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong vòng 03 năm trở lại đây, với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, và sự điều hành linh hoạt về chính sách xăng dầu theo cơ chế thị trường của Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan, kết hợp cùng với việc quản trị điều hành tốt, vận hành kinh doanh hiệu quả từ phía doanh nghiệp, Tập đoàn đã có những chuyển biến cả về chất và lượng theo hướng tích cực hơn rất nhiều.

Tỷ suất lợi nhuận bình quân trong những năm qua luôn đạt trên 40%/vốn điều lệ, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 30%/năm, giá trị vốn hóa của Petrolimex thì tăng khoảng 5 lần so với thời điểm cổ phần hóa.

Năm 2016, Tập đoàn hoàn tất việc bán 8% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy, Tập đoàn năng lượng số 1 của Nhật Bản. Việc đối tác chiến lược nước ngoài tham gia trong Hội đồng quản trị Tập đoàn và đóng góp nhiều ý kiến cũng như hành động thiết thực đã làm thay đổi tư tưởng quản trị cũng như cách thức điều hành doanh nghiệp của Petrolimex theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển mình mới của Petrolimex khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã giao dịch là PLX và trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường; được HOSE lựa chọn đưa vào danh mục VN30 - bao gồm những doanh nghiệp lớn, trụ cột của nền kinh tế. Trong hai năm 2017, 2018, Petrolimex cũng liên tiếp được Tạp chí Forbes vinh danh trong "Top 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam", được xếp hạng quán quân về doanh thu trên thị trường chứng khoán với doanh thu đạt gần 7 tỷ USD/năm, lọt vào danh sách "40 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam".

Năm 2018, Tập đoàn đã hoàn thành toàn bộ việc tái cấu trúc Tập đoàn theo Quyết định 828/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó ngoài lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn đã tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức và hình thành 06 Tổng Công ty hoạt động chuyên biệt theo các ngành nghề kinh doanh phụ trợ, liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu như vận tải, hóa dầu, gas, dịch vụ, xây lắp và thương mại,… Các Tổng công ty sau khi được tái cơ cấu, về cơ bản đều đã hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, đạt lợi nhuận và mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn trước đó.

Trong giai đoạn phát triển tới, Petrolimex sẽ có những đổi mới , cải cách thế nào để đạt tới một tầm vóc, qui mô phát triển cao hơn?

-Nhận thức được những thay đổi mới trong môi trường kinh doanh hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, Tập đoàn đang triển khai kiện toàn lại bộ máy tổ chức Công ty mẹ với việc sáp nhập tinh gọn lại một số phòng ban, hình thành mới Ban Quản trị rủi ro và Phòng kinh doanh bán lẻ nhằm giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh, nâng cao hiệu quả trong việc gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mảng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu (như cửa hàng tiện ích, sửa chữa bảo dưỡng ô tô,…) để mang lại các nguồn lợi nhuận khác ngoài xăng dầu. Mảng kinh doanh này theo như kinh nghiệm từ phía đối tác JXTG đã triển khai tại Nhật Bản thì dự kiến nếu phát triển tốt sẽ gia tăng lợi nhuận đáng kể, chiếm khoảng 50% trong cơ cấu lợi nhuận tại cửa hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Tập đoàn đang chỉ đạo xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể của Tập đoàn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của số hóa, tự động hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ. Chiến lược này sẽ được Tập đoàn xây dựng trên cơ sở có sự tham vấn từ các hãng tư vấn chiến lược hàng đầu quốc tế. Ngoài ra, với phương án thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex từ 75,87% xuống 51,01% sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cấu trúc quản trị của doanh nghiệp và thu hút thêm nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào, tạo nguồn lực cho Petrolimex đầu tư, phát triển các dự án lớn tiềm năng, có khả năng sinh lời cao để gia tăng lợi nhuận và mang lại lợi ích cho các cổ đông.

"Chúng tôi đặt mục tiêu trong 10 năm tới, trở thành tập đoàn có qui mô vốn hóa chục tỷ USD"

Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex sẽ cải cách mạnh mẽ để trở thành tập đoàn năng lượng qui mô lớn - Ảnh 2.

Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh: "Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ trở thành một Tập đoàn năng lượng có quy mô vốn hóa chục tỷ USD"

Theo ông, động lực cho những đổi mới, cải cách trong giai đoạn phát triển mới của Petrolimex, sẽ là gì?

-Đó là sự thay đổi để thích ứng với thời đại mới, là tầm nhìn chiến lược của Lãnh đạo Petrolimex với mong muốn đưa Petrolimex trong tương lai sớm trở thành một Tập đoàn năng lượng có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, cung cấp các sản phẩm năng lượng sạch, tái tạo, thân thiện với môi trường cho xã hội.

Về tư tưởng quản trị, thì Ban lãnh đạo chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi hướng quản trị hiện đại xuyên suốt trong giai đoạn tới, sẽ dựa trên nền tảng doanh nghiệp quản trị minh bạch, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng để ứng dụng được các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.

Trong hình dung của ông, với tất cả những cố gắng để đổi mới, phát triển toàn diện trong giai đoạn mới, một Tập đoàn Petrolimex ở tầm vóc phát triển mới sau này sẽ có những hình ảnh mới mẻ, khác biệt thế nào với Petrolimex ngày nay, cho dù hiện tại Petrolimex cũng đã là một tập đoàn kinh tế nhà nước đã chuyển đổi rất thành công?

-Theo tôi, thay đổi đầu tiên của Petrolimex trong giai đoạn mới sẽ là về tầm vóc quy mô của Tập đoàn. Như anh cũng biết, Petrolimex hiện là Tập đoàn kinh tế lớn, có doanh thu lớn nhất sàn chứng khoán (hơn 8 tỷ USD), vốn hóa trong TOP 10, nhưng vốn điều lệ hiện na chỉ trên 12 ngàn tỷ (khoảng 500 triệu USD) chưa tương xứng vị thế và tiềm năng phát triển của Tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Chính vì vậy, để khai thác các tiềm năng sẵn có của Petrolimex và mở rộng hợp tác đầu tư các lĩnh vực kinh doanh mới, trong định hướng xây dựng chiến lược phát triển Petrolimex trong vòng 10 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ trở thành một Tập đoàn năng lượng có vốn điều lệ tỷ USD (tương đương vốn điều lệ sẽ tăng gấp 2, gấp 3 lần hiện nay) và vốn hóa lên tới chục tỷ USD để triển khai các dự án chiến lược tiềm năng có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai và nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi hội nhập đầy đủ trong lĩnh vực năng lượng.

Thay đổi tiếp theo tôi nghĩ đến đó là những thay đổi liên quan đến cấu trúc sản phẩm và phương thức kinh doanh. Trong kỷ nguyên 4.0 này, các tập quán tiêu dùng mới (dựa vào mạng di động và dữ liệu) ngày càng tăng, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện có cũng như trong tương lai. Điều này khiến các Công ty lớn, đang nắm giữ thị phần chi phối và dẫn dắt thị trường như Petrolimex nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế cần phải xem xét lại phương thức kinh doanh, và chuyển đổi mô hình mới, có thể phải phát triển kinh doanh sang các phân khúc, sản phẩm gần kề, không chỉ đơn thuần là sản phẩm xăng dầu, mà có thể là các sản phẩm năng lượng sạch, tái tạo, năng lượng mới khác.

Ngoài ra, đồng hành cùng với những thay đổi trên, sẽ là những thay đổi liên quan đến quản trị doanh nghiệp, những tư tưởng quản trị hiện đại cập nhật với sự phát triển nhanh của thời đại cần được áp dụng và luôn định hình trong nhận thức của lãnh đạo Petrolimex để có thể tương thích với sự thay đổi trong bộ máy tổ chức và phương thức kinh doanh mới. Một thay đổi hết sức quan trọng nữa không thể không nhắc tới, vì nếu không có sự thay đổi này thì bộ máy Petrolimex sẽ không thể vận hành trơn tru được. Đó là sự thay đổi về con người và văn hóa doanh nghiệp.

Petrolimex trong giai đoạn tới sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ vào con người để đảm bảo nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn mới. Các mô hình hoạt động mới cũng đồng nghĩa với việc tài năng và văn hóa cần được nhìn nhận lại trong bối cảnh có những đòi hỏi mới về kỹ năng và nhu cầu thu hút và duy trì nguồn nhân lực phù hợp.

Các chiến lược mới nhằm thu hút và giữ chân nhân tài, phương thức mới để tuyển dụng, đánh giá và khen thưởng dựa vào hiệu quả công việc, đều sẽ là chìa khóa cho thành công và phát triển bền vững cho Petrolimex trong tương lai. Song hành với đó, sẽ là sự kết hợp hài hòa với việc đổi mới sáng tạo tư duy, văn hóa để hội nhập trong thời đại 4.0. bên cạnh việc duy trì và gìn giữ được văn hóa doanh nghiệp đã tồn tại cùng truyền thống lịch sử 63 năm của Petrolimex.

Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex sẽ cải cách mạnh mẽ để trở thành tập đoàn năng lượng qui mô lớn - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Thanh: "Hiện tại, Petrolimex đang là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong và duy nhất cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường"

Trong chiến lược phát triển giai đoạn tới của Petrolimex, một trong những định hướng chính của Tập đoàn là phát triển bền vững: Đạt hiệu quả kinh doanh cao nhưng vẫn bảo vệ môi trường, xanh và sạch. Petrolimex sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào về đầu tư cho công nghệ, con người, hệ thống xử lý khí thải, chất thải...để đạt mục tiêu trên?

-Phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, nhằm mang lại một môi trường xanh cho cộng đồng và góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Ban lãnh đạo Petrolimex luôn đặt ra. Petrolimex cũng là đơn vị duy nhất đại diện ngành Công Thương nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017.

Đối với sản phẩm, thì hiện tại, Petrolimex đang là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong và duy nhất cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường, có mức tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam, như sản phẩm dầu Diesel tiêu chuẩn Euro 5, và xăng Ron 95 tiêu chuẩn Euro 4. Trong giai đoạn trước mắt, Tập đoàn cũng đang nghiên cứu hợp tác triển khai dự án cung cấp nhiên liệu LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng). Đây là nhiên liệu quan trọng được sử dụng nhiều tại các quốc gia phát triển do đặc tính hạn chế cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để trong tương lai gần sẽ đưa tới người tiêu dùng các sản phẩm xăng, dầu chất lượng cao cấp hơn nữa, đạt tiêu chuẩn Euro mức 5, mức 6 và xa hơn nữa là các sản phẩm năng lượng tái tạo.

Đối với việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để đảm bảo an toàn môi trường thì Petrolimex cũng là doanh nghiệp đầu tiên và đến thời điểm hiện nay cũng là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam triển khai đồng bộ và áp dụng trên toàn hệ thống. Việc đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị thu hồi khí thải ra môi trường, xử lý nước thải hay nâng cấp các hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường hiện đại có mức độ cảnh báo và phòng ngừa cao được Petrolimex chú trọng thực hiện nghiêm túc và bài bản trong suốt những năm qua.

Tại Petrolimex, chúng tôi có một đội ngũ nhân lực cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật làm công tác bảo vệ môi trường được đào tạo và tập huấn chuyên nghiệp từ Tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên. Đây chính là sự khác biệt Petrolimex so với các đơn vị kinh doanh xăng dầu khác trên thị trường vì việc đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường rất tốn kém, không có quy định bắt buộc nào từ Nhà nước, trong khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Mạnh Quân (thực hiện)

Ông Phạm Văn Thanh: Petrolimex sẽ cải cách mạnh mẽ để trở thành tập đoàn năng lượng qui mô lớn - Ảnh 4.