Ống nước Sông Đà: Nên dùng ống HDPE hay ống gang?
Thời gian qua, dư luận bất bình về những nghi vấn trong việc để nhà thầu Trung Quốc trúng thầu lắp đặt ống gang cho dự án đường ống dẫn nước sạch Sông Đà 2. Nghi vấn này có cơ sở khi có những sản phẩm có ưu thế trội hơn loại ống gang này nhưng không được lựa chọn.
Cụ thể, trên thị trường đã có những sản phẩm như ống HDPE đã được chứng minh có những ưu điểm về chất lượng hơn hẳn loại ống gang của nhà thầu Trung Quốc nhưng đã không được chấm điểm xứng đáng.
Từ giữa năm 2014, Công ty TNHH Nhựa Châu Âu Xanh (EuroPipe) và Công ty TNHH AMACCAO E&C đã có công văn gửi Bộ Xây dựng, Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội, và Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đề xuất sử dụng ống HDPE thay vì ống gang dẻo. Theo đó, ống HDPE mới là loại ống sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới cho ngành cấp nước bởi những tính năng ưu việt như: dễ thi công lắp đặt, không phôi nhiễm chất độc vào nước, chi phí bảo trì thấp, lòng trong của ống không bị gỉ sét theo thời gian như ống gang, độ bền hơn 100 năm tuổi.
Xu thế của các nước trên thế giới hiện nay đã đào bóc lên thay thế hầu hết ống gang sau 15-25 năm sử dụng bằng ống HDPE, bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học ngành nước thì ống gang dẻo sau khi sử dụng 7-8 năm sẽ bị gỉ và gây ra thủng, nứt, vỡ.
Đường ống nước sông Đà số 1 trước đó đã bị vỡ tới 17 lần do sử dụng ống cốt sợi thuỷ tinh. Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do sử dụng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp.
“Ống HDPE có độ mềm dẻo tốt hơn so với các loại vật liệu truyền dẫn chất lỏng khác như gang, thép nên đặc biệt phù hợp cho việc thi công các đường ống dẫn nước ở các địa bàn có nền đất yếu hay biến động, rất phù hợp với dự án nước sạch Sông Đà do toàn bộ đường ống này chạy bên cạnh đường cao tốc Láng-Hòa Lạc nên sự rung động thường xuyên này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các loại ống nhưng lại hoàn toàn vô hại với ống HDPE”, ông Jonas Danielson, Tổng giám đốc kinh doanh Công ty EuroPipe Vietnam phân tích.
Ngay tại Việt Nam, ống HDPE đã sử dụng gần như trên 90% cho các Công ty nước sạch, các trung tâm đô thị từ nhiều năm nhưng chưa xảy ra bất cứ sự cố nào. Liên danh EuroPipe và AMACCAO có nhà máy sản xuất ống nước đặt tại Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ VNĐ, có thể sản xuất ống HDPE tới đường kính lớn nhất Việt Nam hiện nay là 1200 mm. Nhà máy có dây chuyền thiết bị sản xuất được nhập khẩu 100% từ CHLB Đức. Nhà máy được điều hành bởi 100% các quản lý và kỹ sư là người Châu Âu.
Lãnh đạo Liên danh EuroPipe –AMACCAO, ông Tô Văn Nhật và ông Jonas Danielson chia sẻ rằng, vì nhận thức được tầm quan trọng của dự án, vào thời điểm năm 2014, hai ông đã trực tiếp đến gặp lãnh đạo cao cấp của Chủ đầu tư để bày tỏ: “Do tính chất khẩn cấp của dự án EuroPipe và Amaccao sẵn sàng cam kết ứng vốn 100% giá trị của gói thầu cung cấp ống cho Chủ đầu tư từ 1-2 năm (khi biết UBND Thành phố Hà Nội dự kiến đầu tư, nhưng sau này biết là Vinaconex vẫn trực tiếp triển khai) để cân đối nguồn vốn". Liên danh này cũng khẳng định sẽ sản xuất và thi công xong trong 200 ngày và đảm bảo 30 năm bảo hành bằng tài sản của Liên danh không có sự cố vỡ nào xảy ra đối với đường ống nước sạch sông Đà số 2.
Được biết, theo thiết kế trong 21 km thì có một phần nhỏ ống đường kính D1800 và còn lại là ống đường kính D1600, trong khi liên danh EuroPipe - AMACCAO và ở Việt Nam chỉ có sản xuất ống Hdpe đường kính đến D1200, ông Jonas Danielson (Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Nhựa Châu Âu Xanh - EuroPipe) cho biết: "Chúng tôi (các chuyên gia và kỹ sư của Liên danh EuroPipe - AMACCAO) đã khảo sát rất kĩ tuyến đường, mặt cắt ngang của đại lộ Láng - Hoà lạc phần hành lang đất được phép bố trí cho các tuyến ống đủ rộng để dự phòng chôn khoảng 8 -10 tuyến ống HDPE từ 1200 - 2000 (đúng khoản cách tiêu chuẩn chôn ống cần thiết)".
"Do đó, chúng tôi kiến nghị sử dụng thay thế 1 tuyến 1600 gang bằng 2 tuyến ống 1200 HDPE sẽ có mặt cắt ướt truyền dẫn lớn hơn và đặc biệt phù hợp với các phương án dẫn nước trên thế giới là không nên dồn vào 1 tuyến ống (để dự phòng sửa chữa, bảo trì, sự cố, tức là nếu lâu dài vài chục năm sử dụng sẽ phải có lúc bảo trì , sửa chữa các trạm bơm hay phụ kiện đấu nối cho mỗi tuyến ống thì vẫn còn 1 tuyến ống còn lại phục vụ được 50% nhu cầu, nếu bảo trì vào thời kì thấp điểm 1-2 ngày không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt của nhân dân”, ông này nói.
Thiết nghĩ, việc thi công đường ống nước Sông Đà 2 là công trình quan trọng mang tính quốc gia, ảnh hưởng lớn tới an ninh nguồn nước cho hàng trăm hộ gia đình ở thủ đô Hà Nội nên việc sử dụng loại ống bền , đảm bảo sức khoẻ phù hợp với xu hướng cấp tiến của thế giới, bố trí phương án số ống để dự phòng sự cố, bảo trì phù hợp để người dân không bị ảnh hưởng lại có sự bảo đảm bằng tài sản doanh nghiệp là hợp lý và nên làm.
Hà Việt