Bình Định:

Ông nông dân "rót" tiền tỷ vào rừng vì một lý do

Doãn Công

(Dân trí) - Với lý do dần thay đổi nhận thức người dân làm nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông nông dân 61 tuổi ở Bình Định bỏ phố vào rừng để trồng rau, quả sạch.

Ông nông dân ở Bình Định "rót" tiền tỷ vào rừng vì một lý do

Bỏ phố vào rừng làm nông nghiệp sạch

Từ trung tâm xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), vượt đèo Truông Gia Vấn khoảng 12 km là đến khu Trang trại tổng hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Truông Gia Vấn, do ông Châu Văn Quang (61 tuổi, trú ở TP Quy Nhơn) làm Giám đốc Hợp tác xã.

Ông nông dân rót tiền tỷ vào rừng vì một lý do - 1
Ở tuổi 61, ông Châu Văn Quang chọn vùng đồi núi heo hút biệt lập với khu dân cư để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Chứng kiến khu trang trại đang trồng rau, quả sạch với quy mô gần 36 ha, ít ai biết rằng người khởi xướng vốn là người đang sống ở chốn hoa lệ, điều kiện dư giả. Nhưng ở cái tuổi nghỉ "hưu non" để về sum vầy với con cháu, ông Quang lại tìm về chốn núi rừng heo hút hợp tác cùng các cộng sự thành lập Hợp tác xã (HTX) để sản xuất nông nghiệp sạch.

Chia sẻ lý do này, ông Châu Văn Quang nói: "Đến bây giờ nói về làm nông nghiệp công nghệ cao, người nói thì nhiều còn người thực hành thì ít và hiệu quả chưa cao. Trong khi hiện nay, nông dân làm nông nghiệp còn lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Những thứ thực phẩm rau, củ, quả mà chúng ta ăn hằng ngày, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây hại rất nhiều cho sức khỏe. Con người ta bây giờ đủ các thứ bệnh, nhiều căn bệnh hiểm nghèo cũng bởi ăn những thứ độc hại vào người nên tôi quyết định về quê làm nông nghiệp sạch".

Ông nông dân rót tiền tỷ vào rừng vì một lý do - 2
Giai đoạn 1, HTX đang trồng các loại rau, quả như cà chua chuỗi ngọc nhiều chủng loại, ớt, cải chịu nhiệt…

Sau khi khảo sát địa điểm, ông Quang đã chọn được vùng đồi núi ở có khí hậu, nguồn nước rất thuận lợi ở Truông Gia Vấn (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) để bắt tay thực hiện dự án.

Theo ông Quang, vùng đất này rất đặc biệt bởi hội tụ 3 yếu tố sạch: "Nước sạch, không khí sạch và đất sạch". Đó là yếu tố quan trọng để thực hiện mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại sản phẩm rau quả an toàn, không có hại cho sức khỏe con người.

Vì sức khỏe cộng đồng

Ông Quang cho biết thêm, HTX có 11 thành viên sáng lập với mục đích hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hoàn toàn hữu cơ. Ngoài các chuyên gia nông nghiệp đang giảng dạy tại các trường đại học làm cố vấn, HTX còn có nhiều kỹ sư nông nghiệp, đặc biệt tạo điều kiện cho 20 người làm việc tại đây.

Ông nông dân rót tiền tỷ vào rừng vì một lý do - 3
Cà chua chuỗi ngọc trồng theo công nghệ cao đảm bảo sạch, an toàn cho người sử dụng.

Tổng diện tích thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch đến gần 36 ha, nằm tách biệt trên khu đất đồi cao, xung quanh bao phủ bởi cây xanh và núi rừng che chắn.

Hiện nay, HTX đã trồng một số loại cây, rau quả với diện tích trên 13 ha. Trong đó, chủ yếu là cà chua chuỗi ngọc, cà chua vàng, cà chua socola, cải kale, khổ qua bạch tuyết, cà tím giọt nước, ớt sừng Thái Lan…

"Giai đoạn 1, HTX vẫn đang còn trong quá trình vừa trồng, vừa thử nghiệm các giống, kể cả trồng trong nhà kín và môi trường tự nhiên. Sau đó, thanh lọc để chọn những giống ưu việt, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như thị trường tiêu thụ ổn định thì sẽ trồng đại trà", ông Quang cho hay.

Ông Quang cũng cho biết thêm, trong giai đoạn 2, HTX dành những diện tích đất còn lại để trồng cây dài ngày và cây lâu niên. Trong đó ưu tiên các giống cây bản địa sống được như: xoài vỏ đỏ ruột đỏ, xoài vỏ xanh ruột vàng, xoài tự điều chỉnh sản lượng, mít…

Ông nông dân rót tiền tỷ vào rừng vì một lý do - 4
Ông Quang không tiết lộ về chi phí đầu tư để thành lập HTX, nhưng đến nay riêng đầu tư mua các loại giống đã hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Quang chia sẻ HTX đang triển khai để xây dựng siêu thị mini 4 tầng ở khu vực chợ Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) để đưa sản phẩm sạch tiếp cận thị trường.

"Điều mà chúng tôi kỳ vọng là mô hình trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công sẽ góp phần, dần dần thay đổi nhận thức của người dân về làm nông nghiệp sạch. Qua đó sẽ xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nói không với thuốc bảo vệ thực vật", ông Quang chia sẻ thêm.