Ông Nguyễn Duy Hưng: Tài sản số có cả vàng lẫn thau, đãi vàng thế nào?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều rủi ro. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch là cần thiết.
Chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn Tài sản số 2024 diễn ra chiều nay, ông Nguyễn Duy Hưng, Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), nói rằng bản thân là dân tài chính và không hiểu biết nhiều về lĩnh vực tài sản số.
Nhưng hiện khu Công nghệ cao Hòa Lạc rất cần những doanh nghiệp tài chính có thể tập hợp và tạo trung tâm kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp, những người trẻ có mong muốn phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
Ông cho biết việc xây trung tâm là rất dễ nhưng quan trọng là cần làm cho trung tâm sống, phát triển đúng chức năng và mong muốn của Chính phủ.
Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, theo Crypto Crunch App.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, những kết quả trên mới chỉ là con số. "Với cơ sở pháp lý hiện nay thì khối tài sản đó đi về đâu?", ông đặt vấn đề.
Đó là cơ sở để chúng ta đề xuất Chính phủ chấp nhận tài sản số. Khi được chấp nhận sẽ có sàn, có chợ để mua bán, chuyển nhượng loại tài sản này.
"Nếu hôm nay không ngồi lại với nhau để nhóm những đốm lửa đầu tiên thì bao giờ mới có đám cháy", ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Theo ông, tài sản số có nhiều cơ hội nhưng cũng có vô cùng nhiều rủi ro như rủi ro về pháp lý, rủi ro về cơ chế quản lý ngoại hối và rủi ro lừa đảo. Thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. "Khi thị trường không phân biệt được là vàng hay thau thì những người càng ít hiểu biết càng khó phân biệt và quyết định tài sản của mình", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch SSI Digital cho rằng rất cần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn và minh bạch. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xin cơ chế đặc thù hợp pháp để mọi người có thể tham gia chính thống, tạo ra một nơi để tất cả start up công nghệ để nương tựa và huy động vốn.
Ông cũng cho rằng đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Qua đó, ông đề xuất xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản số thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật. Từ đó giúp giữ lại tài năng trong nước, tránh chảy máu chất xám, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ được giảm, góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.