"Ông lớn" Viglacera cổ phần hoá 5 năm vẫn chưa công bố giá trị vốn nhà nước khi chuyển đổi
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, sau khi Viglacera cổ phần hoá, việc quyết toán vốn nhà nước bàn giao cho công ty còn chậm so với quy định. Trong đó, quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chính thức chuyển thành công ty cổ phần chậm 50 tháng theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công công ty cổ phần của công ty mẹ tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (HNX: VGC).
Phạm vi kiểm toán được xác định trong khoảng thời gian từ 1/1/2012 đến 21/7/2014.
Viglacera đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm 31/12/2012 và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 22/7/2014.
Theo báo cáo, việc quản lý tài sản, nguồn vốn của VGC đã cơ bản chấp hành chính sách, chế độ tài chính – kế toán theo quy định hiện hành, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế như: đối chiếu nợ phải thu chưa đầy đủ; đối chiếu, xác nhận số dư nợ phải trả chưa cụ thể.
Cụ thể, về đối chiếu nợ phải thu, khoản phải thu của khách hàng mới chỉ đạt tỷ lệ đối chiếu là 53% (366/683 tỷ đồng). Giá trị chưa đối chiếu này chủ yếu là giá trị phải thu của khách hàng mua nhà dự án khu đô thị Xuân Phương – Từ Liêm, dự án khu đô thị Tây Mỗ của Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera.
Khoản trả trước cho người bán cũng có tỷ lệ đối chiếu chỉ đạt 83% (157/188 tỷ đồng). Các khoản phải thu khác có tỷ lệ đối chiếu đạt 96% (316/329 tỷ đồng).
Giá trị các khoản nợ phải thu chưa đối chiếu, xác nhận là: phải thu của khách hàng 318 tỷ đồng, trả trước cho người bán 31 tỷ đồng, phải thu khác 12,8 tỷ đồng.
Về việc đối chiếu, xác nhận số dư nợ phải trả chưa đầy đủ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho hay các khoản người mua trả tiền trước có tỷ lệ đối chiếu chỉ đạt 34% (26/75 tỷ đồng); phải trả người bán tỷ lệ đối chiếu đạt 92% (480/519 tỷ đồng); phải trả phải nộp khác tỷ lệ đối chiếu đạt 87% (276/314 tỷ đồng).
Các khoản nợ phải trả khác chưa được đối chiếu, xác nhận là: các khoản người mua trả tiền trước 49 tỷ đồng, phải trả người bán 38,7 tỷ đồng, phải trả phải nộp khác 38 triệu đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Viglacera báo cáo rằng số nợ phải thu của Công ty mẹ Tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu khách hàng của các dự án bất động sản. Hiện nay Tổng công ty vẫn đang giữ sổ đỏ của khách hàng mua nhà, do đó khoản nợ phải thu này tiềm ẩn ít rủi ro.
Dù vậy, Kiểm toán Nhà nước vẫn yêu cầu VGC sớm xem xét, xử lý các khoản nợ phải thu, phải trả chưa đối chiếu được để xác định số nợ phải thu không có khả năng thu hồi hoặc số phải trả không phải trả (nếu có) tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, đối với việc các nội dung tăng, giảm vốn Nhà nước, tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, công ty đã lập hội đồng kiểm để kiểm kê tài sản cố định, công cụ dụng cụ, khối lượng sản xuất kinh doanh dang dở.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, lưu ý. Trong đó, việc quyết toán vốn nhà nước bàn giao cho công ty còn chậm so với quy định. Cụ thể, công tác lập báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần chậm hơn 7 tháng theo quy định.
Bên cạnh đó, đến thời điểm kiểm toán, công tác phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hoá, quyết toán chi phí cổ phần hoá, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, và quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chính thức chuyển thành công ty cổ phần chậm 50 tháng theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý các vấn đề tài chính, quyết định phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hoá, chi phí cổ phần hoá, đặc biệt là công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và chỉ đạo tổ chức bàn giao cho công ty cổ phần đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Viglacera.
Phương Dung