“Ông lớn” ngành bia Australia “nhòm ngó” Sabeco, Habeco
(Dân trí) - Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bia Carlton&United Breweries (CBU), doanh nghiệp chiếm 47% thị phần bia tại Australia cho biết, doanh nghiệp này đang quan tâm và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và Habeco khi Nhà nước thoái vốn trong năm nay.
CBU muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và Habeco
Tin từ Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho hay, hôm qua (24/7), tại thành phố Sydney, Australia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành đã tiếp các doanh nghiệp của Australia đang và chuẩn bị tổ chức hoạt động tại Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng đã tiếp Tổng giám đốc Công ty Bia Carlton&United Breweries (CBU), doanh nghiệp chiếm 47% thị phần bia tại Australia, đang có nhu cầu mở rộng nhà máy sản xuất bia tại tỉnh Bình Dương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam quan tâm tới phát triển bền vững, bảo đảm an toàn môi trường và nguồn nước trong lĩnh vực đồ uống có cồn.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang tiến hành thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-RượuNước giải khát Hà Nội (Habeco), hai thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Việc này có thể là mối quan tâm của công ty CBU với tư cách là nhà đầu tư chiến lược.
Tổng Giám đốc CBU cũng cho biết doanh nghiệp này đang quan tâm và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và Habeco khi Nhà nước thoái vốn trong năm nay.
Khuyến khích doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã tham dự buổi gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp Australia trong các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, giáo dục, khoa học công nghệ.
Phát biểu trước nhiều doanh nghiệp của Australia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, bình quân gần 7%/năm, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh của thế giới.
Nửa đầu năm 2017, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ nhịp phát triển ổn định theo hướng tăng dần qua các quý. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tăng trưởng về kim ngạch thương mại, thu hút khách du lịch quốc tế, thị trường chứng khoán... có những kết quả hết sức ấn tượng, tạo tiền đề quan trọng để tin tưởng Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.
Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô thương mại gấp hơn 1,6 lần GDP và kiên định chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế khi là thành viên quan trọng, đồng thời là cửa ngõ để các đối tác tiếp cận thị trường chung ASEAN, là thành viên của 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), đang tích cực thúc đẩy và đàm phán nhiều hiệp định FTA thế hệ mới. Việt Nam kỳ vọng đến năm 2020 sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm G20 (2/3 dân số thế giới và 3/4 GDP toàn cầu).
Việt Nam cũng đã thu hút hơn 306 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký từ 120 đối tác, trong đó có trên 160 tỷ USD trực tiếp đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối... Qua đó, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, xe máy, nông nghiệp và thủy sản…
Với Australia, Phó Thủ tướng cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia có tính bổ trợ cao, được hỗ trợ bởi các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định FTA ASEAN-Australia, Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC và sắp tới có thể là Hiệp định RCEP cũng như TPP.
Phó Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Australia sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, năng lượng, cơ sở hạ tầng (theo hình thức PPP), viễn thông, dịch vụ-giáo dục-du lịch, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khoáng sản... thông qua các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó, tạo ra sức lan tỏa, gắn kết với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn doanh nghiệp Australia quan tâm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính-ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án start-up dựa trên đổi mới-sáng tạo đang bùng nổ hiện nay.
Bích Diệp (tổng hợp)