1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Gaddafi giàu gấp ba lần Carlos Slim

Đại tá Gaddafi được xem là giàu gấp ba lần so với Carlos Slim, người đàn ông giàu nhất thế giới, gấp 8 lần quốc vương Abdullah của Arap Saudi.

Ước tính, ông Gaddafi sở hữu hơn 200 tỷ USD với tổng số tài sản cả trong ngân hàng, đất đai và tiền đầu tư trên khắp thế giới. Cái chết gần đây của đại tá Gaddafi đã dấy lên câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra với những "quỹ đen" mà ông đã tuồn ra ngoài và gửi tại các ngân hàng trên khắp thế giới.
Ông Gaddafi giàu gấp ba lần Carlos Slim - 1
Gaddafi (phải) trong bộ áo choàng vàng cùng với các nhà lãnh đạo châu Phi tại một hội nghị thượng đỉnh vào năm 2009. Ảnh: Daily Mail.
Được biết, phần lớn số tài sản của nhà độc tài này đã bị phong tỏa kể từ đầu năm nay. Số tiền được ông cất giấu bao gồm một loạt tài sản quý giá, các bất động sản có giá trị và cổ phiếu trong các công ty đa quốc gia. Đa phần tài sản của ông được gửi ở Ngân hàng Trung ương Libya và Cơ quan Đầu tư Libya. Tuy nhiên, rất nhiều tài khoản bí mật và "quỹ đen" đã được ông cất giấu tại các ngân hàng tư nhân hoặc các tổ chức, công ty dưới tên giả. Vì vậy, các nhà chức trách cho biết, để tìm ra dấu vết của những tài sản bí mật đó là rất khó khăn.

Một lượng lớn tài sản có giá trị khác của Đại tá Gaddafi và các thành viên trong gia đình ông còn được lưu giữ ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Italy, Thụy Sĩ, Malta và một số quốc gia châu Phi. Một lượng tiền mặt đáng kể vẫn nằm trong tay các thành viên còn lại của gia đình và có thể được sử dụng để tài trợ cho quân nổi dậy ở Libya. Các khoản tiền có khả năng được gửi ở các nước láng giềng như Algeria, hiện đang là nơi trú ẩn an toàn cho vợ con và các cháu của Gaddafi. Người ta cũng tin rằng, các thành viên của gia đình Gaddafi khi chạy trốn đến Algeria đã mang theo vàng miếng.

Tại Anh, gia đình Gaddafi sở hữu một ngôi nhà ở Hampstead trị giá 16 triệu USD ở bắc London và một loạt các cửa hàng, văn phòng tại khu vực West End của thành phố. Ngoài ra, còn có một ngôi nhà ở vùng tân Georgia do người con Saif al-Islam Gaddafi sử dụng trước khi nó bị Chính phủ xung công. Ngôi nhà với một hồ bơi và phòng chiếu phim lót da lộn được mua vào năm 2009. Gaddafi còn sở hữu tòa nhà Portman, rộng 13.615 m2 ở Oxford Street, London, một văn phòng tại 14 Cornhill, đối diện với Ngân hàng Anh.

Tại Tây Ban Nha, Ngân hàng nước ngoài Arab của Gaddafi đã mua 7.065 ha đất ở vùng Costa del Sol tại Andalucia vào năm 1995. Ngân hàng nước ngoài Arab, thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương của Libya, đã từng xây dựng một sân golf 18 lỗ và khoảng 2.000 ngôi nhà trên vùng đất này.

Tại Mỹ, Gaddafi có một biệt thự rực rỡ sắc màu tại Englewood, New Jersey, một khu vực bất động sản đắt đỏ nhất tại nước này. Gaddafi cũng đã gửi 18 tỷ USD vào các ngân hàng Anh. Mỹ đã phong tỏa 30 tỷ USD, Italy phong tỏa 9 tỷ USD, Canada 3,6 tỷ, Áo 2,5 tỷ USD và Thụy Sĩ 1 tỷ USD.

Trong số các khoản đầu tư thông qua Ngân hàng Trung ương Libya, Gaddafi có 3% cổ phần tại Tập đoàn Pearson Plc, nhà xuất bản của tờ Financial Times. Ông Gaddafi cũng đã có một danh mục đầu tư ấn tượng tại Italy với các cổ phiếu trị giá 7,5% của CLB Juventus, 2% của Finmeccanica SpA - Công ty quốc phòng lớn nhất của Italy và 4% cổ phần của UniCredit SpA - ngân hàng lớn nhất nước này.

Kể từ khi chính thức công nhận Hội đồng chuyển tiếp quốc gia của Libya, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu quá trình bàn giao lại tài sản cho quốc gia này. Tháng 8/2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua việc trao trả 1,5 tỷ USD do Mỹ nắm giữ. Các quan chức cho biết, số tiền nhằm chi trả cho các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là điện.

Tuy nhiên, trước năng lực quản lý còn non kém của nhà nước Libya, vấn đề đặt ra là liệu có nên gửi số tiền trên cho lực lượng NTC hay dùng nó cho các hoạt động nhân đạo. Một số nước, như Nam Phi, đã từ chối yêu cầu trả hàng tỷ USD cho Libya.

Nhà phân tích tài chính Libya Mohammed Haraba cho biết, các nhà điều tra trên thế giới sẽ không thể tìm thấy các khoản tài sản khác do các đối tác trung gian che giấu hoặc cất giữ trong các tài khoản bí mật. "Gaddafi đã dành nhiều năm để làm những việc mà giới siêu giàu trên toàn thế giới đã làm – đó là cất giấu tiền. Tiền có thể ở trong các tổ chức tài chính phương Tây, nhưng cũng có thể ở trong tay những nước đồng minh cũ như Algeria, Syria, và thậm chí Zimbabwe", ông Haraba nói.

Theo Nguyên Thảo
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm