1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông Đỗ Mười và câu hỏi đầy trăn trở về tinh thần “phát huy nội lực”

(Dân trí) - Vào đầu tháng 3/1981, với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười đã đến kiểm tra công tác xây dựng và chuẩn bị hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro. Tại cuộc làm việc này, ông Đỗ Mười đã đặt câu hỏi khiến lãnh đạo dầu khí thời điểm đó phải trăn trở.

LTS: Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần vào hồi 23h12 ngày 1/10/2018. Để hiểu rõ hơn về những đóng góp quan trọng của nguyên Tổng Bí thư đối với ngành dầu khí, Dân trí xin giới thiệu bài viết được lược ghi theo lời kể của ông Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).

Ông Đỗ Mười được nhận xét là một lãnh đạo rất sâu sát, cụ thể, chi tiết, đòi hỏi cấp dưới phải có tinh thần tự chủ...
Ông Đỗ Mười được nhận xét là một lãnh đạo rất sâu sát, cụ thể, chi tiết, đòi hỏi cấp dưới phải có tinh thần tự chủ...

Ông Đỗ Mười và câu hỏi khiến ngành dầu khí trăn trở

Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro kể lại, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng cũng rất gần gũi với những người làm dầu khí với tên gọi thân thiết – Anh Mười, Bác Mười.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người có vai trò quyết định ở những bước ngoặt lịch sử trong ngành dầu khí, là người thúc đẩy sự phát triển và đặt nền móng cho những thành tựu giai đoạn hiện nay của ngành dầu khí Việt Nam.

Ông Ngô Thường San cho biết, được làm việc và tiếp xúc với nguyên Tổng Bí thư khi còn Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro. Thời điểm đó, mọi người nói rất nhiều về ông Đỗ Mười như một lãnh đạo rất sâu sát, cụ thể, chi tiết, đòi hỏi cấp dưới phải có tinh thần tự chủ, quyết liệt xây dựng nội lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Vào đầu tháng 3/1981, với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười đã đến kiểm tra công tác xây dựng và chuẩn bị hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro.

Sau khi nghe báo cáo về tiến độ và những khó khăn kỹ thuật vì phải nhập tất cả và đồng bộ từ Bacu, công nhân kỹ thuật lắp ráp 100% là người Liên Xô…, ông Đỗ Mười đã đặt loạt câu hỏi trước sự ngạc nhiên của nhiều người: "Một chân đế giàn khoan có bao nhiêu tấn thép, loại mác gì? Bao nhiêu bulong, mác thép, kích cỡ, bao nhiêu “cút nối”, chế tạo ra sao?..."

Ông San cho biết, lúc đó không ai trả lời được đầy đủ câu hỏi của trên vì đó là phần thiết kế của nhà máy chế tạo, tuy nhiên chính thời điểm đó ban lãnh đạo nhà máy đã nhận ra những thiếu sót lớn. Đó là không chỉ là sự thiếu sâu sát, mà vấn đề quan trọng là không suy nghĩ phía Việt Nam có thể làm được gì, những nhà máy cơ khí, các Viện thiết kế của chúng ta có thể làm được gì, dù là những chi tiết rất đơn giản để không phải nhập từ Liên xô.

Để sửa sai, ngay sau đó Vietsovpetro đã tranh thủ sự hợp tác của các nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Sông Công, Ba Son, các Viện thiết kế công trình biển (Bộ Xây dựng), Viện thiết kế công trình thủy (Bộ Giao thông Vận tải), Công ty xây lắp 18/3...

Kết quả, từ chân đế thứ 2, 3 sau này, Vietsovpetro đã thay thế một số lớn chi tiết sản xuất tại Việt Nam, bắt đầu chế tạo các “cút nối” là bộ phận khó trong chân đế ở tại cảng Vietsovpetro. Đặc biệt là sự trưởng thành của đội ngũ kỹ thuật lắp ráp người Việt có thể thay thế người Liên Xô.

Tinh thần “phát huy nội lực” xuyên suốt mọi chỉ đạo

Cũng qua lời kể của ông Ngô Thường San, tinh thần “phát huy nội lực” là xuyên suốt trong chỉ đạo của ông Đỗ Mười. Đối với công trình sớm đưa khí vào bờ từ mỏ Bạch Hổ, sau gần mười năm khai thác mỏ Bạch Hổ, lượng khí đồng hành vẫn phải đốt bỏ hằng năm lúc đó đã lên đến gần 1 tỷ mét khối tương đương 1 triệu tấn dầu, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta không đủ về năng lực tài chính và kỹ thuật nên kêu gọi liên doanh đầu tư. Việc đàm phán với liên doanh bị kéo dài do nhiều nguyên nhân.

Không chờ đợi kết quả đàm phán, ông Đỗ Mười cho phép ngành dầu khí tự vay vốn, tự đầu tư và bắt đầu từng bước xây dựng đường ống và những công trình xử lý, tàng trữ.

Ông Đỗ Mười rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi nước chủ nhà của phía Việt Nam trong Liên doanh.
Ông Đỗ Mười rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi nước chủ nhà của phía Việt Nam trong Liên doanh.

Cựu lãnh đạo Vietsovpetro cho rằng, chính quyết định phát huy nội lực sớm đưa khí vào bờ của ông Đỗ Mười đã đem lợi cho đất nước hàng chục ngàn tỷ đồng, tăng giá trị gia tăng của khai thác dầu thô và kịp thời giải quyết được sự thiếu hụt năng lượng của đất nước những năm 1996-1999, quan trọng hơn cả là đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí theo hướng hiện đại hóa.

Ông Mười cũng rất quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí toàn diện hoàn chỉnh và bền vững. Mỗi lần công tác phía Nam, ông Mười đều yêu cầu phải báo cáo về hoạt động khai thác dầu khí ở Liên doanh Vietsovpetro. Ông luôn nhắc nhở việc gia tăng sản lượng phải bền vững, duy trì đời mỏ và kết hợp gia tăng trữ lượng…

Vào những năm 1986-1987, mặc dù chúng ta đã bắt đầu khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, nhưng những giếng khai thác sớm vì được thiết kế dựa theo tài liệu cũ của Công ty Mobil, kết quả không như mong đợi, gây tâm lý hoài nghi trong toàn ngành.

Lúc đó Liên doanh Vietsovpetro chủ trương mở rộng diện thăm dò bằng giếng khoan số 4. Phương án này không được các cán bộ kỹ thuật Hà Nội đồng tình. Ý kiến khác biệt được báo cáo đến ông Mười. Và sau khi nghe Liên doanh báo cáo, với sự tin tưởng vào khả năng của đội ngũ địa chất Việt Nam và Liên xô, ông Mười đã quyết cho phép khoan giếng số 4.

Sự thành công phát hiện dầu lưu lượng lớn của giếng khoan số 4 không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà quan trọng là khẳng định tầng chứa dầu mới thứ 2 ở Việt Nam và khu vực mà trước đây nhiều công ty tư bản làm việc ở Việt Nam không thừa nhận, giúp giảm đi sự hoài nghi, hoang mang đối với tương lai phát triển của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro.

Cũng theo lời kể của ông Ngô Thường San, ông Mười còn là người rất tình cảm và tế nhị, được các chuyên gia Nga mến phục. Khi Tổng giám đốc Vietsovpetro – đồng chí Ardjanov bị bệnh, ông Mười đã gọi điện hỏi thăm và chỉ đạo các lãnh đạo Tổng cục Dầu khí làm việc với bệnh viện chăm sóc chữa trị.

Tuy nhiên, ông Mười cũng là người được cấp dưới nhận xét là rất nguyên tắc và kiên định trong bảo vệ quyền lợi nước chủ nhà của phía Việt Nam trong Liên doanh. Ông đã yêu cầu tổ đàm phán về sửa đổi Hiệp định Liên doanh tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí Vietsovpetro, kiên trì thuyết phục phía bạn về các điều khoản kinh tế. Những chỉ đạo rất nguyên tắc và kiên định của ông đã mang lại thành công và Hiệp định sửa đổi của Liên doanh dầu khí Việt Xô năm 1990 là cơ sở hoạt động có hiệu quả của Liên doanh dầu khí trong gần 30 năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong chỉ đạo, ông xem ngành dầu khí là công cụ kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Ông yêu cầu phải báo cáo rất chi tiết, cụ thể những chỉ tiêu, từ việc quản lý tiền bán dầu, hiệu quả khai thác của Vietsovpetro, lợi nhuận hằng năm Vietsovpetro phải đóng góp cho Nhà nước mỗi khi làm việc với Ông.

Ông Mười rất quan tâm đến “giá trị chuỗi” của công nghiệp khí và sự đóng góp của ngành trong việc tạo sự phát triển ổn định kinh tế đất nước

Nguyễn Khánh (lược ghi)

Ông Đỗ Mười và câu hỏi đầy trăn trở về tinh thần “phát huy nội lực” - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm