Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch EVNNPT:Chấp nhận đối mặt khó khăn để lọt top đầu khu vực châu Á

Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sửa chữa, vận hành cũng như xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại... là những đầu việc lớn và khó mà Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ phải đối mặt để đạt mục tiêu lọt Top đầu khu vực châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện vào năm 2020.


Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, có thể nói, trong những năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã thực hiện tốt nhiệm vụ: đáp ứng yêu cầu cung cấp điện, nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Theo ông Tường, các dự án quan trọng, cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải điện, giải quyết tình trạng quá tải tại các khu vực và cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng đều được Tổng công ty hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu. Cùng đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động, các chỉ tiêu tài chính và tăng hiệu quả sử dụng vốn đều hoàn thành kế hoạch. Để thực hiện được những nhiệm vụ này, toàn thể lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên thuộc Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc đã phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn.


Công nhân của EVNNPT kiểm tra vận hành của lưới điện truyền tải

Công nhân của EVNNPT kiểm tra vận hành của lưới điện truyền tải

Là đơn vị mới được thành lập cách đây 9 năm nhưng đến nay EVNNPT đã trở thành một Tổng công ty lớn đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống và thị trường điện Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở những việc đã làm được, EVNNPT đang đặt mục tiêu đến năm 2020 lọt vào Top đầu khu vực châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện. Ông có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch thực hiện mục tiêu này của Tổng công ty?

-Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT tập trung thực hiện các mục tiêu chính: Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam; sử dụng hợp lý các nguồn lực, sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, tích lũy để đầu tư phát triển.

Tổng công ty cũng tập trung xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả cao, tham gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các cấp độ của thị trường điện, đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Cùng đó, đơn vị không ngừng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho cán bộ công nhân viên. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giai đoạn này được chúng tôi xác định là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

EVNNPT đang xây dựng Đề án Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó có việc so sánh, xếp hạng EVNNPT với các tổ chức truyền tải điện trong khu vực và trên thế giới và xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu rõ nhất của chúng tôi là đến năm 2020, EVNNPT sẽ trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu trong giai đoạn này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, EVNNPT đã và đang xây dựng các giải pháp với kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn phát triển như: đầu tư phát triển; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực đồng thời lo về tài chính và huy động vốn cũng như bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế cũng là những nhiệm vụ chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Nhưng trong thực tế, bên cạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, bất cứ công ty nào muốn phát triển thành một tổ chức dẫn đầu cần rất nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người. EVNNPT đã chuẩn bị cho việc này thế nào và gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình?

-Đúng là chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một doanh nghiệp. Do đó, EVNNPT luôn quan tâm công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho quá trình phát triển của Tổng công ty.

Hiện EVNNPT đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp có trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc, có độ tuổi trung bình trẻ và có sự kế thừa hợp lý giữa các độ tuổi. Các cán bộ quản lý đều được rèn luyện, thử thách nhiều năm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPT.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng năm và dài hạn của Tổng công ty được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế công việc và luôn bám sát định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân vận hành, cán bộ, chuyên gia kỹ thuật. EVNNPT cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị, hội thảo theo chuyên đề, các chương trình học tập tại các đơn vị trong, ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và học tập các đơn vị truyền tải điện hàng đầu thế giới và khu vực.

Phải thừa nhận, trong những năm gần đây, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của EVNNPT đã được quan tâm, chú trọng nên có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nguồn nhân lực của EVNNPT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Tổng công ty.

Các vấn đề phát sinh trong thực tế sản xuất đã cho thấy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế. Việc các cán bộ quản lý phần lớn trưởng thành từ công tác chuyên môn kỹ thuật, chưa được đào tạo đầy đủ về quản trị doanh nghiệp cũng là yêu tố dẫn đến thiếu hụt các kỹ năng quản trị chiến lược, tài chính, nhân sự cũng như các kỹ năng lãnh đạo. Một số cán bộ kỹ thuật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc, chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị dẫn đến còn bị động trong công tác sửa chữa thiết bị hoặc khắc phục, xử lý sự cố.

Công tác đào tạo công nhân vận hành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý công việc còn hạn chế cũng là những cản trở lớn của chúng tôi trong quá trình hội nhập, tìm hiểu và tiếp thu những kiến thức công nghệ mới của thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định các hạn chế trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nêu trên sẽ được tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực một cách toàn diện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, góp phần giúp EVNNPT hoàn thành các chỉ tiêu về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động theo kế hoạch.

Bênh cạnh chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực truyền tải điện, chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động. Trong đó, việc xây dựng các giải pháp khắc phục các tồn tại và xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại, phát triển lưới điện thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác sửa chữa đường dây và trạm biến áp đang mang điện (sửa chữa nóng… cũng là những đầu việc chúng tôi tập trung thực hiện thời gian tới.


EVNNPT đặt mục tiêu: Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định

EVNNPT đặt mục tiêu: Xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định

Với nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng ở mức trên 10%/năm trong những năm tới, việc phát triển lưới điện với vốn đầu tư rất lớn sẽ là nhiệm vụ hết sức nặng nề với bất cứ đơn vị nào của ngành điện. EVNNPT có giải pháp gì để huy động được số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đảm bảo mục tiêu phát triển của mình?

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, giai đoạn 2017 - 2020, tổng nhu cầu đầu tư của EVNNPT vào khoảng 105.699 tỷ đồng (trong đó đầu tư thuần là 82.464 tỷ đồng) để thực hiện đầu tư xây dựng 270 dự án đường dây, trạm biến áp 220 kV, 500 kV. Đây quả thực là nhiệm vụ hết sức khó khăn của EVNNPT trong những năm tới.

Để có thể huy động được số vốn đầu tư như trên, EVNNPT đã và đang xây dựng các kế hoạch và triển khai sớm các thủ tục thu xếp vốn đầu tư xây dựng cho các dự án đã được giao kế hoạch. Cùng đó, chúng tôi cũng tìm cách cân đối, sử dụng hợp lý nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT để trả nợ vay và làm vốn đối ứng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện các thủ tục thu xếp vốn ODA đối với các dự án đã có cam kết của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), …và tăng cường huy động các nguồn vốn tín dụng thương mại trong nước.

Một điểm khó trong huy động vốn cần giải quyết chính là việc hiện nay, Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nên ngoài các giải pháp trên, EVNNPT cũng đang tìm kiếm các nguồn vốn khác như vay tín dụng xuất khẩu và thương mại nước ngoài; mở rộng quan hệ với các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế; triển khai phương án vay các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài không cần bảo lãnh của Chính phủ. Cũng phải thừa nhận những đầu việc trên đều không phải là dễ thực hiện nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ tìm mọi cách để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Cảm ơn ông

Hà Anh (ghi)