Ổn định tỷ giá khi thâm hụt 4 tỉ USD?
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam năm 2010 được dự báo thâm hụt khoảng 4 tỉ USD. Đây là con số gây bất ngờ bởi quá chênh lệch với con số được NHNN đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
Theo “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2010” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tính tổng thể, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2010 có thể thâm hụt khoảng 4 tỉ USD.
Mất cân đối ngoại tệ
Con số trên gây sự bất ngờ lớn! Bởi cách nay 2 tháng, ngày 9/7, NHNN vừa chính thức khẳng định, nửa đầu năm 2010, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dương tới 3,43 tỉ USD, nhờ được bù đắp từ thặng dư vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp), thặng dư chuyển tiền một chiều…
“Mặc dù chưa có kết quả điều tra chính thức, song có thể khẳng định, lượng ngoại tệ hiện đang lưu trữ trong dân còn rất lớn, nhưng gần như không có tính thanh khoản, bởi hầu như không được bán ra”, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế lưu ý.
Ông Doanh cũng nhấn mạnh, nếu tính thanh khoản ngoại tệ không được cải thiện, sự chênh lệch cung – cầu ngoại tệ càng gia tăng, khả năng cân đối cán cân thanh toán tổng thể càng thêm chật vật. Những khoản bù đắp hiện nay, như đầu tư nước ngoài, kiều hối… chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, trước mắt, không dễ ổn định, bền vững trong dài hạn.
Soi kỹ hơn, trong bảng cân đối quốc tế năm ngoái của Việt Nam, tổng thu ngoại tệ trừ đi tổng chi dương 4 tỉ USD. Song NHNN vẫn phải mất thêm 8,8 tỉ USD để giữ ổn định tỷ giá. Tổng cộng 12,8 tỉ USD đã đi đâu?
USD chảy ra thị trường tự do
Năm nay, giá thị trường tự do có lúc thấp hơn thị trường chính thức. Song, theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lý do quan trọng là “cung ảo”.
Ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cho vay ngoại tệ và doanh nghiệp bán ra thị trường để lấy nội tệ kinh doanh, làm cho thị trường tự do từ chỗ cao hơn thị trường chính thức xuống thấp hơn thị trường chính thức. Bằng cách này, nguồn ngoại tệ trong mấy tháng nay đi dần ra thị trường tự do.
Theo ông Nghĩa, phần lớn tiền này đi ra khỏi thị trường ngoại hối và trở thành tài sản trên thị trường tự do. Khoản tiền này tích tụ sau nhiều năm, khiến quy mô thị trường tự do rất lớn, mà ông dự ước là chiếm vài chục phần trăm tổng ngoại tệ nền kinh tế.
“Chính vì vậy, không lạ khi nhiều doanh nghiệp mua trên thị trường chợ đen một lúc năm, ba triệu USD. Trong khi đó mua ở ngân hàng khó khăn hơn, thậm chí không mua nổi, hoặc phải ra mua ở thị trường chợ đen bán lại cho ngân hàng để ngân hàng bán lại cho mình”, ông nói.
Xoá kỳ vọng USD tăng giá?
Đợt điều chỉnh tỷ giá vừa rồi có kết quả nhất định, làm thị trường bớt đi áp lực tăng, làm thị trường ổn định trong ngắn hạn, nguồn cung ngoại tệ đã tăng lên.
“Chúng tôi đưa ra dự báo là ổn định trong ngắn hạn, nhưng dài hạn và trung hạn áp lực vẫn còn căng, do thâm hụt thương mại vẫn còn lớn, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế vẫn còn cao, do cung ảo giảm dần, và cầu ngoại tệ trả nợ ngân hàng ngày càng tăng lên”, ông Nghĩa nói.
Thạc sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình giảng dạy Fulbright, cho rằng, cần có một giải pháp mạnh để xử lý vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, đó là định giá đồng tiền Việt Nam (VND) thấp hơn nữa.
Cụ thể, ông Du lý giải, chính sách tỷ giá hiện hành đang đẩy tâm lý người dân vào “bẫy kỳ vọng” là VND sẽ tiếp tục mất giá trong tương lai, nên không yên tâm nắm giữ. Tâm lý cất trữ ngoại tệ gia tăng khiến cung – cầu càng thêm căng thẳng. Mặt khác, đồng VND được định giá cao sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu, càng gây sức ép lên mục tiêu cân đối cán cân thanh toán chung.
Ông Du bác bỏ lo ngại, chính sách giữ VND yếu sẽ làm gia tăng khoản nợ nước ngoài hay làm tăng giá hàng nhập khẩu. Bởi trong trường hợp giá hàng hoá nhập khẩu tăng mạnh, người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc, lựa chọn hàng nội, khi đó giúp thúc đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hay với các khoản nợ nước ngoài, như Vinashin, nếu quy đổi ra VND thì giá trị tăng lên, song trên thực tế tập đoàn phải trả nợ bằng ngoại tệ, trong khi họ cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu.
“Nhìn chung, chính sách nào cũng có tác động hai mặt. Nhưng xét ở góc độ tổng thể, mức tác động tích cực vẫn nổi trội, đối tượng được hưởng lợi rộng hơn, mà cụ thể là nông dân – những người đang sản xuất ra những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu”, ông Du nói.
Ông Du lưu ý, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu có quyết tâm chính trị lớn, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, thời điểm.
“Có thể xảy ra tình trạng đám đông đổ xô đi mua ngoại tệ, song nếu NHNN cam kết và đáp ứng được mọi nhu cầu mua ngoại tệ, tỷ giá chắc chắn sẽ ổn định. Khi đó, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh, thâm hụt giảm bớt, dự trữ ngoại tệ tăng lên”, ông Du tin tưởng.