1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Obama và kế hoạch "giải cứu" kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ 2

(Dân trí) - Vượt qua đối thủ của đảng Cộng Hòa, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với chiến thắng áp đảo. Điều này cho thấy kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ trong 4 năm tới đã được cử tri Mỹ ủng hộ.

Theo thống kê của Bloomberg, tính đến 13 giờ 30 (giờ Việt Nam), ông Obama đã giành được tới 303 phiếu đại cử tri, vượt đối thủ Mitt Romney tới 100 phiếu để tái đắc cử chức tổng thống Mỹ. Dù vậy nhiệm vụ phía trước của ông là rất nặng nề, đặc biệt là việc khôi phục nền kinh tế Mỹ.
 
Phía trước tổng thống Obama là nhiều thử thách
Phía trước tổng thống Obama là nhiều thử thách
 
Hiện tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ khoảng 2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức cao 7,9%. Khoảng 23 triệu người Mỹ đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Để khắc phục tình trạng này, trong cương lĩnh tranh cử của mình ông Obama đã đưa ra một số điểm chính như sau:

1. Vấn đề việc làm
 
Vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ khẳng định sẽ củng cố lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nâng cao chất lượng giáo dục và giúp nước Mỹ bớt phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nước ngoài. 

Ông khẳng định sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất trước năm 2016 và hơn 600.000 việc làm trong ngành khí gas tự nhiên cũng như tuyển mới 100.000 giáo viên toán và vật lý. 

Các dự án sửa chữa cầu, đường, sân bay và trường học là một phần trong kế hoạch của ông nhằm tạo thêm việc làm cho người Mỹ. Dự kiến khoản một nửa số tiền tiết kiệm được từ việc chấm dứt chiến tranh tại Iraq và Afghanistan sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng. 

Dù vậy, không giống như khi bước vào nhiệm kỳ đầu tiên khi Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã phê chuẩn gói kích thích 840 tỷ USD, trong nhiệm kỳ hai này ông Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xin thông qua kế hoạch chi tiêu khi Hạ viện sẽ do đảng Cộng hòa kiểm soát.

2. Chính sách tài khóa
 
Ông Obama đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 4000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới bằng cách chấm dứt chính sách giảm thuế cho tầng lớp thượng lưu và loại bỏ các lỗ hổng về thuế. Mục tiêu là nhằm cân đối ngân sách trong thời gian tới.

Vị tổng thống Mỹ cũng ủng hộ cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức tối đa 35% xuống 28%. Ông cũng lên kế hoạch chấm dứt chính sách giãn thuế đối với một loạt loại thuế đánh vào doanh nghiệp trong đó nội dung đáng chú ý nhất là ngừng ưu đãi thuế với các công ty chuyển lợi nhuận và việc làm ra ngoài nước Mỹ.

3. Lãnh đạo Cục dự trữ liên bang 
 
Ông Obama có thể sẽ đề nghị chủ tịch Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba. Dù vậy một số nhà phân tích cho rằng vị cựu giáo sư đại học Princeton này có thể đã cảm thấy đủ mệt mỏi sau 8 năm đảm nhiệm công việc khó khăn này. Nhiệm kỳ của ông Bernanke sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2014. Hiện Phó chủ tịch Fed Janet Yellen được xem là ứng viên số 1 thay thế Ben Bernanke.

4. Thắt chặt kỷ luật thị trường tài chính
 
Nhiều khả năng ông Obama sẽ tiếp tục những chính sách đã đề ra trong nhiệm kỳ đầu tiên trong đó có việc cải tổ sâu rộng thị trường tài chính phố Wall, vốn bị xem là thủ phạm cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Các cơ quan giám sát hiện đã chuẩn bị đưa ra kế hoạch chi tiết thực thi đạo luật cải cách tài chính có tên Dodd-Frank. 

5. Thị trường nhà đất
 
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Obama đã có nhiều biện pháp hỗ trợ những người vay mua nhà trong việc tái tài trợ các khoản nợ vay mua nhà và chính sách này được hưởng lợi lớn từ mức lãi suất thấp kỷ lục mà Fed đưa ra. Dù vậy số lượng người mua nhà được hưởng lợi từ chính sách này vẫn thấp xa dự kiến. 

Trở ngại lớn nhất đó chính là tranh cãi giữa Nhà trắng với các tập đoàn cầm cố bất động sản liên bang Fannie Mae và Freddie Mac trong việc giảm bớt tiền gốc cho người đi vay do số tiền họ phải vay cao hơn nhiều giá trị ngôi nhà. Dù vậy vấn đề này có lẽ sẽ khó lòng được giải quyết trong ngắn hạn.

Thanh Tùng
Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm