Ô tô theo vốn, công nghệ Trung Quốc tăng nhập khẩu trở lại Việt Nam
(Dân trí) - Nhập khẩu ô tô Trung Quốc bất ngờ tăng vọt trở lại sau thời gian dài trầm lắng, chỉ riêng tháng 4/2017, cả nước nhập hơn 1.000 xe, tăng hơn 143% so với tháng 3/2017.
Theo một số doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu và phân phối xe Trung Quốc, chủng loại xe chủ yếu là xe tải đạt hơn 90%, xe du lịch chỉ chiếm số lượng hơn 6%, còn lại là xe chuyên dụng khác. Thời điểm này các dòng xe tải Trung Quốc được nhập về Việt Nam chủ yếu là dòng xe đã đặt trước cho các dự án có liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc như: vận tải chuyên chở, khai khoáng, bốc dỡ của các DN Trung Quốc, Đài Loan tại Việt Nam.
Xe nhập theo dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp
Trên thực tế, lượng hàng hóa và phương tiện Trung Quốc nhập vào Việt Nam có liên quan đến số vốn đầu tư của các DN Trung Quốc tại Việt Nam. Theo Cục đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các DN, nhà đầu tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.
Đáng nói, mức tăng mạnh đến từ số vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của DN Việt từ các đối tác Trung Quốc. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, số vốn mà nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra mua cổ phần DN chỉ là 21 dự án góp mua cổ phần thì nay, con số đó đã lên hơn 256 dự án. Con số này cao hơn nhiều các đối tác Nhật Bản, Singapore và Hoa Kỳ, chỉ đứng sau đối tác lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc.
Về số vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT cho biết, cả nước có 734 dự án FDI mới, tổng vốn là 4,9 tỷ USD, trong đó có 345 lượt dự án tăng vốn, đạt 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 %; 1.687 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với giá trị là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ 2016. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tại thời điểm tháng 4/2017, lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 1.065 chiếc, tăng 143% so với tháng 3/2017 và tháng có số lượng xe nhập tăng mạnh nhất kể từ thời điểm tháng 1/2016, khi xe tải Trung Quốc bắt đầu giảm lượng nhập về Việt Nam.
Thực tế, ngoài thị trường, xe tải Trung Quốc đang bị cạnh tranh toàn diện bởi các dòng xe tải liên doanh và nhập khẩu. Cụ thể, trong nước, các liên doanh như Thaco, Vinaxuki, đã sản xuất và nội địa hóa được nhiều dòng xe tải hạng nhẹ, cạnh tranh được cả về giá và chất lượng so với xe tải Trung Quốc.
Ở phân khúc xe tải hạng nặng, sau nhiều năm "thống lĩnh" vì sự đa dụng và giá rẻ, xe tải Trung Quốc bắt đầu thất thế tại Việt Nam từ năm 2015 so với các dòng xe tải siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, xe chuyên dụng từ Nhật Bản và xe của Nga, Đức... Dù có mức giá đắt, nhưng nhiều DN đã chú trọng đầu tư hơn thay vì bỏ tiền mua xe Trung Quốc, giá rẻ nhưng thời gian khấu hao ngắn, mất giá nhanh.
Không còn độc chiếm thị trường
Nếu tháng 4/2016, lượng nhập xe tải Trung Quốc về Việt Nam vẫn còn gần 2.000 chiếc xe/tháng, thì từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017 con số đã giảm chỉ còn 50% hoặc bằng 1/3.
Kinh doanh xe ô tô Trung Quốc hiện đã không còn lợi nhuận so với trước kia. Đó là nguyên nhân khiến các DN giảm lượng nhập khẩu so với 2 năm trước bởi xe tải Trung Quốc hiện phần lớn được thay bằng các dòng xe tải liên doanh hoặc xe nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga...
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, 2 năm trước, các dòng xe tải ben hạng nặng và xe đầu kéo Trung Quốc như Howo, Dongfeng, Shacman... ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam và loại xe này độc chiếm thị trường xe tải hạng nặng, hạng vừa của Việt Nam. Tuy nhiên, do chất lượng thấp nên chỉ sử dụng một thời gian xe tải Trung Quốc khấu hao nhanh đã khiến nhiều DN lỗ nặng. Nếu DN dự án nào bỏ tiền mua xe tải bổ sung vào chi phí đầu vào thì chỉ 1 - 2 năm xe sẽ hết khấu hao và chi phí dự án sẽ tăng cao.
Trong khi đó, sau khi để xe Trung Quốc làm mưa, làm gió trong vòng 5 năm, các liên doanh và nhà nhập khẩu xe tải trong nước đã nhận thấy nhu cầu của thị trường. Khá nhiều liên doanh xe trong nước tập trung đưa ra nhiều mẫu xe tải như Thaco, Kia, Hyundai, Vinaxuki.
Ở phân khúc xe tải hạng siêu trường, siêu trọng, hiện DN, người tiêu dùng không còn "ham rẻ" mà chấp nhận mua các dòng xe Trung Quốc. Nhiều DN đã chuyển sang mua xe của Hàn, Nhật và Đức, dù giá đắt gấp 2 thậm chí 3 lần xe Trung Quốc nhưng xe bền, thời gian khấu hao dài khiến khả năng khai thác được nhiều năm.
Các DN nhập khẩu xe cũng tận dụng cơ chế giảm thuế để nhập nhiều loại xe tải của các nước Châu Âu, Nhật về Việt Nam như Hino (Nhật), Man (Đức), Kamaz (Nga)... được nhập về cạnh tranh quyết liệt với các loại xe tải nhập Trung Quốc.
Nguyễn Tuyền