"Ô tô nội chết": Không phải điều người tiêu dùng phải lo!
(Dân trí) - Độc giả Minh Vũ chia sẻ: “Tôi là người dân, khi tôi có nhu cầu và đủ khả năng để mua ô tô thì tôi chỉ chọn những dòng xe nào an toàn và tiện nghi nhất nhưng giá cả hợp lý nhất. Nếu đặt địa vị là người tiêu dùng, những người như tôi không quan tâm là xe nội hay xe ngoại”.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra chiều 13/11, nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe dưới 9 chỗ bởi có thể sẽ “bóp chết” ngành ô tô nội và khiến tiêu dùng bùng nổ trong khi hạ tầng giao còn hạn chế.
Theo đó, các vị đại biểu lo ngại, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá ô tô sẽ rẻ hơn khiến xe nhập khẩu ào ạt vào thị trường. Khi đó, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ khó chống đỡ. Trong khi đó, xe được nhập ồ ạt gây áp lực lên hạ tầng giao thông và thu ngân sách cũng sẽ bị bất lợi vì dòng xe nhỏ được giảm thuế chiếm tới 70% thị phần.
Xe nội hay ngoại?
Dưới góc độ người tiêu dùng, đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng khi giá xe tăng hay giảm theo các chính sách thuế, nhiều người cho rằng, việc ngành sản xuất ô tô trong nước có phát triển hay không không phải mối bận tâm quá lớn với họ.
Ý kiến cho rằng “đối với người dân, người cần ô tô sản xuất trong nước nhiều hơn là người cần ô tô giá rẻ” được cho là đánh đồng và không chỉ ra được cụ thể “người dân này là người dân nào?”.
Độc giả Minh Vũ chia sẻ: “Tôi là người dân, khi tôi có nhu cầu và đủ khả năng để mua ô tô thì tôi chỉ chọn những dòng xe nào an toàn và tiện nghi nhất nhưng giá cả hợp lý nhất. Nếu đặt địa vị là người tiêu dùng, những người như tôi không quan tâm là xe nội hay xe ngoại”.
Độc giả Trần Thiết cũng cho rằng: “Hệ thống giao thông cả nước hiện đã khá đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường liên tỉnh, giao thông Bắc - Nam. Ô tô, ngoài chức năng nó còn là ước mơ có thực của người dân. Thuế rất quan trọng nhưng động viên con người ta hăng say lao động để có cuộc sống tốt hơn lại càng quan trọng. Hãy bán xe rẻ hơn hoặc giảm thuế nếu có thể. Còn khái niệm xe nội, xe ngoại thực ra không nhiều ý nghĩa về lâu dài”.
Còn độc giả Mạnh Cường đặt câu hỏi: “Nói giá giảm sâu, doanh nghiệp chết, dân chịu khổ và không bao giờ tiếp xúc được với xe giá rẻ thì sao? Tại sao các nước trong khu vực họ mua xe đơn giản mà nước ta nói đến mua ô tô lại là vấn đề lớn?”.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, hơn 20 năm bảo hộ nhưng ngành sản xuất ô tô vẫn “dậm chân tại chỗ” và chưa làm nên thành tích gì đáng kể. Do đó, không nên vì bảo hộ cho ngành sản xuất ô tô trong nước mà để hơn 90 triệu người dân phải sử dụng giá xe cao.
"Sao không đại biểu Quốc hội nào để ý tới nhu cầu của người dân, lại cứ đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được rồi ngành công nghiệp ô tô sẽ bị bóp nghẹt vậy. Mấy chục năm qua Nhà nước bảo hộ các công ty có làm được gì đâu người dân thì chịu khổ, mua một cái xe ô tô phải đóng bao nhiêu là thứ thuế. Đã đến lúc người dân phải được hưởng những quyền lợi vốn có, đừng vì lợi ích nhóm mà quên đi nhu cầu chính đáng của nhân dân”, một độc giả viết.
Cũng có ý kiến thẳng thắn: "Nói thẳng ra là làm gì có ô tô nội đâu mà chết! Ngành công nghiệp ô tô nói nghe cho oai chứ thực ra chỉ có mấy doanh nghiệp lắp ráp, chất lượng thì kém chẳng theo cái tiêu chuẩn nào, giá thì đắt nên giải tán đi cho nhân dân được nhờ”.
"Bảo công nghiệp ô tô chết thì phải xem vì sao chết"
Trao đổi quan điểm về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc thuế tiêu thụ đặc biệt sớm muộn cũng phải giảm thôi. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô bảo hộ 20 năm rồi vẫn không phát triển được thì nên giảm thuế để người tiêu dùng được sử dụng xe với mức giá hợp lý hơn.
“Bảo doanh nghiệp trong nước chết thì phải xem là chết như thế nào và vì sao chết? Bảo hộ 20 năm là quá nhiều rồi, giờ trong bối cảnh hội nhập thì không thể tư duy như vậy nữa. Đó là tư duy cũ và phải trả giá đắt lắm rồi. Còn người tiêu dùng, đúng là họ không quan tâm là xe nội hay xe ngoại. Bản thân khi chúng ta bảo hộ ngành sản xuất ô tô thì cũng mang lại lợi ích nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài trong khi người tiêu dùng phải chịu giá đắt”.
"Quan trọng là tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự. Còn những ngành nào có triển vọng như công nghiệp phụ trợ cho một vài linh kiện thì phải có chế độ, chính sách riêng. Công nghiệp ô tô của Việt Nam bắt buộc phải đi theo con đường sản xuất linh kiện để tham gia vào chuỗi chứ còn để sản xuất riêng 1 chiếc ô tô “Made in Vietnam” 100% thì không bao giờ làm được”, ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho cả ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước. Do đó, về cơ bản không ảnh hưởng gì tới việc doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước “sống hay chết”.
“Ngành ô tô rất khó có khả năng cạnh tranh và thực tế bao năm qua rồi, nền kinh tế phải gánh chịu bao nhiêu chi phí cho ngành này rồi mà đến giờ vẫn gần như không thấy cơ hội ở đâu cả. Cần tiếp tục cân nhắc có nên bỏ các nguồn lực kinh tế vào một ngành mà không nhìn thấy tương lai hay không?”, ông Du nói.
Trao đổi với báo chí trước đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, tỷ lệ sử dụng xe hơi trên đầu người ở Việt Nam hiện nay còn ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như ở Indonesia, Malaysia hay Thái Lan là khoảng 80 - 140 xe/1.000 dân thì ở Việt Nam chỉ đạt 18 chiếc/1.000 dân, tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm.
"Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ô tô hiện nay đã là một phương tiện giao thông bình thường như các phương tiện khác, chứ không còn là mặt hàng xa xỉ. Vì thế cần phải giảm thuế, nhất là đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá bán xe. Việc giảm thuế, giảm giá bán xe để kích cầu thị trường sẽ có tác động tích cực tới nhiều đối tượng, mà trước tiên chính là ngành công nghiệp ô tô”, ông nói.
Phương Dung