"Giảm thuế sâu, ôtô nội sẽ chết!"
(Dân trí) - Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc giảm sâu thuế TTĐB với dòng xe dưới 9 chỗ bởi có thể sẽ “bóp chết” ngành ô tô nội và khiến tiêu dùng bùng nổ trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra chiều ngày 13/11, nhiều đại biểu đã đề nghị cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) góp ý, cần phải đánh giá tác động của Luật thuế này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô.
Theo vị đại biểu, sau 25 năm phát triển ngành này, tới thời điểm hiện nay, ô tô dưới 9 chỗ cơ bản chưa nội địa hóa được nhiều.
“Khi chúng ta chưa làm được động cơ, chưa làm được hộp số thì đừng nói nội địa hóa, đấy chỉ là vớ vẩn mà thôi. Tôi nghĩ rằng, chiến lược thuế phải gắn với chiến lược phát triển ô tô. Chúng ta có theo đuổi chiến lược này không, hay thôi cứ nhập mà dùng? Chúng ta phải minh bạch vấn đề này để đánh giá tác động”, ông Lịch nói.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đồng ý rằng, nếu giảm thuế TTĐB thì giá ô tô sẽ trở nên rẻ hơn và người tiêu dùng sẽ dễ tiếp cận và dễ được đi ô tô. “Đó là đòi hỏi trong sân chơi chung về hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam cũng thực hiện chính sách thuế trong sân chơi chung” .
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đưa ra cảnh báo: “Nhìn lại thực trạng, vấn đề đặt ra là giảm sâu thế thì dẫn đến hệ lụy cho đất nước khi xe nhập khẩu ào ạt vào thị trường Việt Nam. Lúc đó, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ bước lên vũ đài mới với một sự cạnh tranh không cân sức. Ngành ô tô của ta mới ra đời, còn non trẻ, vốn liếng đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi họ có nhiều kinh nghiệm” – ông Lai lo lắng.
Ông Lai cho rằng, đối với người dân, người cần ô tô sản xuất trong nước nhiều hơn là người cần ô tô giá rẻ. Trong khi đó, dẫn một trường hợp là doanh nghiệp ô tô Trường Hải, nếu đưa thuế xuống bằng 0 và giảm sâu thuế TTĐB thì doanh nghiệp này sẽ không thể tồn tại, 10.000 công nhân thất nghiệp, Quảng Nam sẽ giảm tới 50% ngân sách và còn những hệ lụy khác.
“Tại Quảng Nam, ngành ô tô là bà đỡ cho phát triển công nghiệp và để khu kinh tế mở Chu Lai hình thành và phát triển. Do đó, giảm sâu thuế TTĐB thì ngành ô tô chắc chắn sẽ chết!” – ông Lai đề nghị cần cân nhắc và tính liều lượng chính sách để không để xảy ra tình trạng “cái sảy nảy cái ung”. Chính phủ cần tính toán đẩy đủ hệ lụy để đối phó và các đại biểu “khi bấm nút tay không bị run”.
Chung quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị phải cân nhắc việc giảm thuế TTĐB với ô tô để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như nhà nước.
Theo bà Thủy, nên giữ nguyên, hoặc giảm ở mức thấp, bởi từ nay đến năm 2018 Việt Nam phải giảm thuế ô tô theo cam kết với ASEAN.
“Ngành sản xuất ô tô trong nước chi phí đang cao hơn 20% so với các nước trong khu vực nên nếu giảm thuế sẽ không thể hỗ trợ doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh. Không cẩn thận doanh nghiệp ô tô nước ngoài sẽ được lợi kép từ việc giảm thuế. Thu ngân sách cũng sẽ bị bất lợi vì dòng xe nhỏ được giảm trong khi dòng xe này chiếm hơn 70% thị phần, xe được nhập ồ ạt gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc làm của người lao động” – vị đại biểu cho hay.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cũng tỏ ra băn khoăn bởi việc giảm thuế đối với ô tô sẽ khuyến khích tiêu dùng trong khi hạ tầng đô thị không đảm bảo.
Các đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng đề nghị cần cân nhắc thêm tác động của việc giảm thuế đối với ô tô đến cân đối ngân sách bởi sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu, trong khi đó, hạ tầng giao thông sẽ bị tác động khi giảm thuế cho dòng xe phổ thông vừa tiền dẫn đến tình trạng bùng nổ số lượng ô tô.
Bích Diệp