1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Ô tô nhập giảm giá trăm triệu đồng, dân đỏ mắt tìm không thấy

(Dân trí) - Mặc dù giá xe nhập khẩu khai báo nhập về Việt Nam vừa qua được cho là giảm rất mạnh nhưng thực tế, mức giá những dòng xe mới nhập từ Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan vẫn niêm yết như cũ so với giá cả năm về trước. Người dân vẫn không thể tìm và mua được giá rẻ. Vì sao?

Xe ngoại đội giá cao vì vướng hàng rào thuế phí

Theo khảo sát của PV Dân Trí tại nhiều đại lý phân phối xe mới ở Hà Nội cho biết xu hướng giảm giá chỉ đến ở các dòng xe lắp ráp trong nước do không chịu thuế nên giá cạnh tranh hơn so với các dòng xe nhập.

Nếu như so sánh về thuế, xe du lịch dưới 9 chỗ, nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia có thuế suất thấp nhất là 30% và 5% (đối với xe bán tải). Còn đối với xe nhập từ Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Hàn vẫn ở ngưỡng 47 - 90% (tuỳ theo dung tích). Trong khi đó xe lắp ráp trong nước hưởng lợi vì không chịu gánh nặng thuế nhập khẩu.

Xe nhập dù khai giá Hải quan rẻ không tưởng nhưng giá bán vẫn đắt do gánh nặng thuế phí đang rất cao
Xe nhập dù khai giá Hải quan rẻ "không tưởng" nhưng giá bán vẫn đắt do gánh nặng thuế phí đang rất cao

Đối với linh kiện phụ tùng lắp ráp, nếu nhập từ các nước ASEAN, từ năm 2015 các hãng liên doanh ô tô tại Việt Nam không phải chịu mức thuế nhập linh phụ kiện. Ngay cả cụm động cơ nhập từ Nhật Bản về Việt Nam cũng chỉ chịu thuế 3% từ năm 2016 theo cam kết FTA Việt Nam - Nhật Bản.

Còn lại các linh phụ kiện và động cơ có xuất xứ từ các nước thành viên WTO nhập về Việt Nam đều phải chịu mức thuế 20%. Như vậy, nếu xét về thuế, xe trong nước vừa được lợi lớn cả về thuế nhập khẩu với xe nguyên chiếc, lẫn thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng.

Theo lời một doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, nếu xác định giá xe nhập khẩu dưới 100 triệu đồng/chiếc, người tiêu dùng xác định phải trả gấp 3 hoặc 4 lần con số đó mới có thể lăn bánh trên đường. Như vậy, về Việt Nam, mức giá các loại xe được gọi là "giá rẻ" đã ngang bằng với giá xe phân khúc trung bình hoặc cao cấp.

Các dòng xe i10 dung tích xi lanh 1.0L, xe i20 dung tích 1.4L mức thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hai loại xe đều dưới 40%, sau khi đã tính thuế nhập khẩu. Như vậy, khi về Việt Nam, giá xe nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với giá khai báo thuế. Cụ thể, Hyundai i10, Hyundai i20 từ Ấn Độ, giá nhập khai báo khoảng 84 đến 96 triệu đồng (đối với i10); đối với i20 là hơn 230 triệu đồng. Nếu cộng các loại thuế và phí nhập về, mức giá rẻ nhất của xe Hyundai i10 đang ở mức 350 triệu đồng/chiếc, xe Hyundai i20 có giá 560 đến hơn 610 triệu đồng/chiếc.

Còn đối với xe nhập giá rẻ xuất xứ từ các nước ASEAN như: Toyota Fortuner (nhập Indonesia); Honda Civic, Honda Accord, Toyota Yaris... (nhập Thái Lan) đều có mức thuế nhập 30%. Điều này khiến xe nhập từ các nước chênh giá cao hơn so với xe trong nước lắp ráp cùng phân khúc như: Toyota Vios, Mazda 3, Honda CRV, Ford Everest hay Mazda CX5 được lắp ráp trong nước.

"Không bổ xuôi, cũng bổ ngược"

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chắc chắn trong năm 2017 giá xe nhập khẩu sẽ không giảm mạnh bằng xe lắp ráp trong nước, bởi dư địa giảm giá xe trong nước tích tụ nhiều năm qua, các hãng không giảm cho người tiêu dùng. Nhưng sang đến năm 2018, nhiều dòng xe nhập, nhất là xe từ ASEAN sẽ giảm giá mạnh khi vào Việt Nam nhờ mức thuế nhập khẩu được dỡ bỏ.

Bối cảnh ấy, trong điều kiện không có chính sách bảo hộ nào từ phía Nhà nước, nếu xe trong nước không tận dụng thời gian để giảm nhanh giá bán, mở rộng thị trường, chắc chắn sẽ bị loại bỏ bởi cuộc chơi về giá với xe nhập khẩu. Và sẽ không thể tưởng tượng được nếu năm 2018, xe nhập khẩu được bỏ thuế, sân chơi phẳng thì mức giảm giá của xe nhập sẽ khiến xe trong nước rơi vào tình thế như nào.

"Nếu người tiêu dùng thất vọng với xe nhập khi tìm không ra xe giá rẻ thì họ cũng nên mừng vì "tác dụng phụ" của xu hướng ấy đã khiến giá xe trong nước giảm. Dù đây mới chỉ bắt đầu, hoặc chiêu trò giảm giá hút doanh số nhưng đây sẽ là xu hướng năm 2017 và hãy chờ năm 2018, cuộc chiến giá xe sẽ bắt đầu và người cuối cùng hưởng lợi sẽ là người tiêu dùng", chuyên gia Long phân tích.

Tuy nhiên, không kỳ vọng như vậy, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe hơi, xe trong nước giảm giá là do họ cắt bớt các chi tiết như: giảm số lượng loa, túi khí, thay đổi chi tiết nội thất hoặc giảm chất lượng thiết bị xe để giảm tối đa giá xe. Bên cạnh đó, cũng do các hãng bắt buộc phải tái cơ cấu hệ thống phân phối, đại lý, giảm bớt khâu trung gian để giảm chi phí, giảm lợi nhuận để kích doanh thu.

Trên thực tế, với mức thuế vẫn được giữ ở 30% với xe có xuất xứ từ ASEAN, năm 2017 không kỳ vọng gì xe nhập khẩu giảm giá. Tuy nhiên, có thể thấy rõ xu hướng xe nhập ngày càng "lấn sân" và giành giật thị trường từ tay của các hãng xe trong nước. Điều này cũng có cơ sở bởi khá nhiều DN bên cạnh lập liên doanh lắp ráp xe hơi tại Việt Nam, cũng lập luôn hệ thống nhập khẩu, thay nhiều mẫu xe lắp ráp chuyển thành xe nhập để tối ưu hoá lợi nhuận và doanh số.

Mới đây, thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, hết quý I/2017 tăng trưởng về doanh số và lượng xe bán ra của xe nhập khẩu đã cao hơn nhiều so với xe lắp ráp trong nước. Điều này cho thấy, xu hướng nhiều DN đã tập trung vào nhập xe về để bán, lượng xe và phân khúc xe nhập cũng đa dạng, đủ để lấy lòng khách hàng so với xe trong nước.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm