Ô tô không thuế thắng to: Xe Indonesia - Thái Lan giá chỉ từ 300 triệu đồng
(Dân trí) - Xe nhập từ Thái Lan và Indonesia có mức giá khai báo trị giá hải quan khi nhập cảng Việt Nam thấp chỉ từ 320 đến 440 triệu đồng/chiếc, song khi ra đại lý, đến tay người tiêu dùng giá xe nhập vẫn bị xem là đắt đỏ.
Xe nhập chiếm phân nửa mẫu xe ăn khách ở Việt Nam
Trong "top 10" mẫu xe ăn khách nhất thị trường Việt Nam 9 tháng đầu năm, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 6 mẫu, trong khi đó các xe nhập chiếm 4 mẫu. Diễn biến này cho thấy, cuộc chiến cạnh tranh giữa xe nhập và xe lắp ráp trong nước đang ngày càng quyết liệt.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết 9 tháng đầu năm 10 mẫu xe hơi ăn khách nhất Việt Nam có doanh số bán ra hơn 112.200 chiếc, chiếm gần 50% tổng lượng xe du lịch bán ra của các doanh nghiệp thuộc VAMA và một số doanh nghiệp lớn nói riêng.
Nếu tính chung 20 mẫu xe đắt khách nhất, có doanh số tính đến thời điểm hiện tại là trên 2.000 chiếc, thì tổng lượng số xe này bán ra là khoảng 175.800 chiếc, chiếm 77% tổng lượng xe du lịch bán ra.
Đáng nói, trong số 10 mẫu xe ăn khách, có 4 thương hiệu là xe nhập, còn nếu tính 20 mẫu xe ăn khách nhất thị trường, thì có thêm 1 mẫu xe nhập. Điều này cho thấy, số xe nhập dù đóng góp số lượng ít ỏi, song lại chiếm lượng tiêu thụ khá lớn.
Cụ thể, trong top 10 mẫu xe ăn khách bán ra được hơn 112.200 chiếc, số xe nhập bán ra đạt gần 40.000 chiếc, chiếm trên 35%.
Hiện 10 mẫu xe ăn khách nhất trên thị trường, Toyota Vios vẫn dẫn đầu với 19.000 chiếc, đứng thứ 2 là Hyundai Accent với 13.600 chiếc, đứng thứ 3 là Grand i10 với 12.600 chiếc, đứng thứ 4 là hãng xe nhập Mitsubishi với gần 12.000 chiếc, đứng thứ 5 cũng là hãng xe nhập Honda CRV với 10.300 chiếc, đứng thứ 5 là mẫu xe lắp ráp Mazda 3 của Trường Hải với 10.200 chiếc.
6 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam 9 tháng qua, mỗi tháng đều có doanh số được 1.000 chiếc.
4 mẫu có doanh số thấp hơn thuộc nhóm 10 mẫu xe ăn khách gồm: Vua bán tải nhập khẩu Thái Lan Ford Ranger với 9.000 chiếc bán ra; Toyota Fortuner với 8.700 chiếc, mẫu MPV lắp ráp Toyota Innova với 8.600 chiếc và cuối cùng là Kia Cerato với 8.300 chiếc.
Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất 9 tháng qua, xe lắp ráp chiếm gần 65%, đây đều là các mẫu xe có doanh số bán tốt và là xe con cưng của các hãng xe tại Việt Nam.
Xe ngoại "thắng thế", xe lắp ráp "đuối sức"
Theo báo cáo của VAMA, xe lắp ráp của các hãng trong nước 9 tháng qua đã suy giảm hơn 20.000 chiếc so với cùng kỳ trong nước. Đối ngược, xe nhập khẩu đang tăng rất mạnh từ con số hơn 37.400 chiếc lên 93.600 chiếc.
Doanh số nhiều mẫu xe tại Việt Nam suy giảm mạnh
Diễn biến mới nhất trên thị trường xe hơi khiến cho các nhà hoạch định chính sách cùng các hãng xe lắp ráp trong nước hoàn toàn có cơ sở để lo ngại kịch bản xe nhập "át vía", thậm chí đè bẹp xe nội là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thuế xe nhập về bằng 0%.
Tính đến hết tháng 9, tổng lượng tiêu thụ xe hơi các loại trên thị trường đạt hơn 230.000 chiếc, tăng gần 35.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng tiêu thụ thị trường Việt Nam từ năm 2019 so với năm 2018 là 18%.
Mức độ tăng tiêu dùng 2 con số trên cho thấy thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, mức tăng trưởng năm nay chủ yếu dành cho các dòng xe nhập với mức tăng tiêu thụ 150% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xe ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tăng ở phân khúc xe du lịch, theo báo cáo của VAMA, tiêu thụ xe du lịch tăng trên 30%, trong khi đó các dòng xe khác như thương mại giảm 3%, xe chuyên dụng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua thị trường xe của Việt Nam nhắm vào các tài sản tiêu thụ, tiêu sản là chính.
Trong tháng 9, lượng xe bán ra tại thị trường Việt Nam cao vượt trội so với các tháng trước đó khi đạt ngưỡng hơn 27.000 chiếc, tăng hơn 33% so với tháng trước đó và hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Các mẫu xe như sedan tại Việt Nam vẫn có doanh số bán cao kỷ lục với 72.600 chiếc; mẫu xe đa dụng SUV cũng bán ra hơn 40.800 chiếc và các dòng xe khác như MPV, án tải Pickup, xe cỡ nhỏ Hatchback và xe lai đa dụng Crossover... cũng đều có doanh số tăng nhanh.
Xe Thái, Indonesia đang rẻ đi nhanh chóng
"Ôm" gần 90% thị phần chợ xe nhập Việt Nam, xe nhập từ Thái Lan, Indonesia đang rẻ đi nhanh chóng so với trước đây. Tính đến hết 9 tháng năm 2019, các xe Indonesia có mức giá bình quân chỉ 320 triệu đồng, xe Thái chỉ 442 triệu đồng/chiếc, trong khi đó ở các thị trường khác xe có mức giá nhập đều trên 800 triệu đồng.
Xe Indonesia và Thái Lan ngày càng rẻ đi
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9, lượng xe nhập về Việt Nam đã đạt con số 107.000 chiếc, tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm trước về lượng và tăng khoảng 30 - 50% so với cùng kỳ các năm 2017 và 2016.
Như vậy, 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận con số nhập khẩu tăng kỷ lục. Nếu cứ đà nhập khẩu bình quân từ 10.000 đến cao nhất là 13.000 chiếc/tháng, thì lượng xe nhập vào Việt Nam cả năm 2019 có thể lên đến khoảng 130.000 đến gần 150.000 chiếc/năm. Chiếm khoảng 40 -50% tổng lượng xe tiêu thụ của cả nước và có thể đuổi kịp các dòng xe lắp ráp trong nước.
Số liệu của ngành hải quan cho biết, xe Thái nhập về Việt Nam 9 tháng qua đã đạt hơn 62.300 chiếc, kim ngạch 1,2 tỷ USD. Đây là thị trường xe nhập lớn nhất về Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng lượng xe nhập, trong đó chủ yếu là xe con, xe bán tải.
Xe Indonesia nhập về Việt Nam 9 tháng qua đạt gần 32.000 chiếc, kim ngạch hơn 445 triệu đồng, chiếm gần 30% tổng lượng xe nhập vào Việt Nam.
Theo khai báo trị giá hải quan, lượng xe nhập Thái đang có giá hơn 442 triệu đồng/chiếc, trong khi đó xe của Indonesia vào khoảng 320 triệu đồng/chiếc. Các mẫu xe nhập từ các thị trường bãi bỏ thuế nhập khẩu đều tập trung vào các mẫu giá rẻ, dung tích máy thấp để lợi thế tối đa về giá cả, cạnh tranh, tiến tới đánh bật các đối thủ xe liên doanh, tư nhân tại Việt Nam.
Hiện, mức giá xe nhập các loại bình quân về Việt Nam đạt khoảng 515 triệu đồng, trong đó xe con là 435 triệu đồng. Các loại xe Thái Lan và Indonesia đều thấp hơn nhiều so với bình quân xe nhập và xe con về Việt Nam.
Xe Việt đấu xe Lào, Campuchia: Đừng quẩn quanh ưu đãi
Báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ô tô vừa được Bộ Công thương gửi Quốc hội cảnh báo, bên cạnh sức ép từ các quốc gia như Thái Lan, Indonesia..., Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực là Myanmar, Lào, Campuchia.
Chuyên gia khuyến Việt Nam đừng nên quẩn quanh ưu đãi nữa
GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa khẳng định"Các chính sách ưu đãi về thuế chỉ là biện pháp tức thời, phải quan tâm tới những biện pháp dài hơi hơn".
Vị này đưa ra cho Việt Nam 3 giải pháp trong đó yêu cầu phải đẩy mạnh công nghiệp cơ khí, đó cũng là nền tảng cho cả nền công nghiệp chung của đất nước; đào tạo nhân lực có đủ khả năng để quản lý và phát triển công nghệ; tạo điều kiện cho người dân dùng ô tô, đặc biệt phải phát triển giao thông một cách đồng bộ...
Xe Thái, Indonesia chờ đợt "sóng mới" về Việt Nam
Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia ngày càng rẻ, chỉ 300-440 triệu đồng, khiến xe trong nước khó trụ vững. Sắp tới, thủ tục nhập khẩu còn thông thoáng hơn nữa, dự báo giá tiếp tục giảm.
Theo tính toán, với tốc độ như hiện nay, số lượng ô tô nhập khẩu cả năm 2019 dự báo sẽ lên đến trên 130.000 chiếc, đạt kim ngạch khoảng 2 tỷ USD. Xe nhập dần chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Giá rẻ đi nhanh, lượng nhập về nhiều hơn, xe Thái, Indonesia chờ cuộc đổ bộ mới cuối năm
Không những thế, sắp tới thủ tục nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ còn thông thoáng hơn. Các cơ quan chức năng đang sửa đổi quy định tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP về điều kiện kinh doanh ô tô. Theo đó, sẽ bỏ kiểm tra chất lượng theo lô như hiện nay chuyển sang kiểm tra mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại. Cùng với đó là bỏ quy định xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do nước sở tại cấp.
Theo dự kiến quy định mới này sẽ được thực hiện từ đầu năm 2020. Như vậy hoạt động nhập khẩu sẽ thông thoáng hơn nữa.
Một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết, vừa qua trong quá trình kiểm tra theo lô, phát hiện một số lô xe nhập khẩu có vấn đề, cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty khắc phục. Công ty phải mời chuyên gia từ nhà máy sản xuất sang, rất tốn kém chi phí đi lại, ăn ở và thời gian lưu kho bãi kéo dài. Vì vậy, sau đó công ty không nhập khẩu mẫu xe đó nữa do lo ngại rủi ro.
Sắp tới nếu chỉ kiểm tra mẫu, mỗi phiên bản mang 1 xe đi thử nghiệm, sau đó được phép nhập về thoải mái, chắc chắn sẽ thông thoáng hơn. Xe không phải lưu kho bãi lâu ngày, tiết kiệm nhiều chi phí.
An Linh(Tổng hợp)