Mùa "làm ăn" cuối năm: Xe ngoại "thắng to", xe trong nước đang "đuối sức"

(Dân trí) - Xe lắp ráp của các hãng trong nước 9 tháng qua đã suy giảm hơn 20.000 chiếc so với cùng kỳ trong nước. Đối ngược, xe nhập khẩu đang tăng rất mạnh từ con số hơn 37.400 chiếc lên 93.600 chiếc.

Diễn biến mới nhất trên thị trường xe hơi khiến cho các nhà hoạch định chính sách cùng các hãng xe lắp ráp trong nước hoàn toàn có cơ sở để lo ngại kịch bản xe nhập "át vía", thậm chí đè bẹp xe nội là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thuế xe nhập về bằng 0%.

Mùa làm ăn cuối năm: Xe ngoại thắng to, xe trong nước đang đuối sức - 1

Mùa xe cuối năm, xe ngoại nhập đang có mức tiêu thụ tăng mạnh, trong khi đó xe lắp ráp trong nước lâm vào thế khó khăn.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 9, tổng lượng tiêu thụ xe hơi các loại trên thị trường đạt hơn 230.000 chiếc, tăng gần 35.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mức độ tăng tiêu thụ thị trường Việt Nam từ năm 2019 so với năm 2018 là 18%.

Mức độ tăng tiêu dùng 2 con số trên cho thấy thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, mức tăng trưởng năm nay chủ yếu dành cho các dòng xe nhập với mức tăng tiêu thụ 150% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xe ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tăng ở phân khúc xe du lịch, theo báo cáo của VAMA, tiêu thụ xe du lịch tăng trên 30%, trong khi đó các dòng xe khác như thương mại giảm 3%, xe chuyên dụng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua thị trường xe của Việt Nam nhắm vào các tài sản tiêu thụ, tiêu sản là chính.

Trong tháng 9, lượng xe bán ra tại thị trường Việt Nam cao vượt trội so với các tháng trước đó khi đạt ngưỡng hơn 27.000 chiếc, tăng hơn 33% so với tháng trước đó và hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Các mẫu xe như sedan tại Việt Nam vẫn có doanh số bán cao kỷ lục với 72.600 chiếc, bình quân khoảng 8.000 chiếc được bán ra mỗi tháng và hơn 268 chiếc bán ra/ngày.

Lượng xe bán ra lớn thứ 2 thuộc về xe đa dụng SUV, mẫu xe này bán ra hơn 40.800 chiếc, bình quân là hơn 4.500 chiếc/tháng và 151 chiếc/ngày. Đây là tín hiệu cho thấy các dòng xe SUV cỡ nhỏ, SUV đô thị đang rất được lòng người tiêu dùng Việt do giá bán ngày càng rẻ đi và kiểu dáng thời trang, bắt mắt.

Dòng xe có doanh số cao thứ 3 là MPV, đại diện của Innova và Xpander chắc chắn có đóng góp lớn vào tăng doanh số dòng xe từng rất ít sự kỳ vọng ở Việt Nam. Tuy nhiên, do có nhiều đổi khác về thiết kế, chính sách giá nên MPV đang nhỏ đi, tiện lợi hơn, thiết kế đẹp hơn và phù hợp với người có tiền so với những phiên bản cồng kềnh trước đây.

Ngoài ba dòng xe ăn khách nhất thị trường, các dòng xe có doanh số cao tiếp theo trên thị trường là bán tải Pickup, xe cỡ nhỏ Hatchback và xe lai đa dụng Crossover...

Trên thực tế, các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam tập trung chủ yếu vào sedan, SUV và MPV, Pickup, trong đó hầu hết các loại xe này có doanh số cao, tác động lớn đến thị trường xe hiện nay.

Việc doanh số tiêu thụ xe hơi trong nước giảm sốc, xe nhập gia tăng mạnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp xe đơn thuần (không có bộ phận xe nhập khẩu hoặc nhập khẩu nhỏ lẻ). Việc giảm xe lắp ráp đã và đang khiến thị trường cho xe trong nước cạnh tranh khốc liệt hơn, khó khăn hơn.

Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, việc chạy đua giảm giá, thay đổi mẫu mã, chất lượng xe sẽ diễn ra và điều này sẽ tốt hơn cho thị trường và cả người tiêu dùng.

An Linh