Ô tô công thanh lý 46 triệu đồng/chiếc: Có nhóm lợi ích "chia chác" hay không?

(Dân trí) - Bình quân mỗi chiếc ô tô công thanh lý trong năm 2016 có giá 46,2 triệu đồng - một mức giá được cho là rẻ mạt. Không ít ý kiến đã đặt vấn đề về lợi ích nhóm, có dấu hiệu chia chác, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Liệu mối lo ngại này có cơ sở?

Nhiều độc giả tò mò về những chiếc xe ô tô công được thanh lý với giá chỉ 46 triệu đồng (ảnh minh họa)
Nhiều độc giả tò mò về những chiếc xe ô tô công được thanh lý với giá chỉ 46 triệu đồng (ảnh minh họa)

"Chỉ là vấn đề vớ vẩn?"

"Trong năm 2016, các bộ ngành, địa phương đã thanh lý xong 1.105 xe ô tô công, trong đó, số báo cáo thu được từ việc bán 761 xe là hơn 35 tỷ đồng, bình quân mỗi xe được 46,2 triệu đồng", đây là thông tin được ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cung cấp tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra mới đây.

Ngay sau khi thông tin trên được truyền tải tới bạn đọc, hàng trăm lượt phản hồi đã được gửi về, chủ yếu xoay quanh mức giá hơn 46 triệu đồng mỗi chiếc ô tô công thanh lý. Mức giá này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn, thậm chí "sốc" vì tính ra, một chiếc ô tô cũ giá còn không bằng một chiếc xe máy!

Một số vấn đề được độc giả nêu ra nhưng chưa được kiểm chứng. Chẳng hạn như độc giả Nguyễn Văn Đạt phản hồi, có xe 16 chỗ đang sử dụng vẫn "chạy ngon" nhưng lúc thanh lý lại chỉ bán giá 5 triệu đồng, chưa bằng bán sắt vụn. Trong khi đó, độc giả Nhật Long cho biết, bản thân vừa mua một chiếc Matiz đời 2007 nhưng đã phải bỏ ra 100 triệu đồng. Đây có lẽ là vấn đề cần được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn và xem xét.


Một bản thông báo về bán đấu giá xe công ở Thanh Hoá cho thấy, giá khởi điểm bán đấu giá xe khá cao, ảnh: CTV

Một bản thông báo về bán đấu giá xe công ở Thanh Hoá cho thấy, giá khởi điểm bán đấu giá xe khá cao, ảnh: CTV

Tại cuộc họp báo chuyên đề nói trên, ông Thắng khẳng định, khi thực hiện đấu giá xe ô tô công, các đơn vị phải thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật (đăng trên bao nhiêu số báo, bao nhiêu ngày, đăng tải trên cổng thông tin điện tử....). Nếu đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định nói trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mặc dù vậy, nhiều độc giả vẫn bày tỏ nghi vấn, xe thanh lý chỉ được bán cho một số đối tượng nhất định, chỉ vài người tham gia cho có lệ, còn người trúng đã biết trước.

"Xe nguyên giá cả tỷ đồng khấu hao hết rồi lại hóa giá bán nội bộ, cũng như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nếu không minh bạch, đánh giá đúng tài sản Nhà nước thì tiền lại rơi vào túi các nhóm lợi ích, dân không được lợi", một độc giả có tài khoản là Hoàng Đức Vinh nhìn nhận.

Ngày 9/3, phóng viên Dân Trí đã liên lạc lại với ông Thắng để làm rõ hơn về những thông tin này, tuy nhiên vị Cục trưởng Cục Quản lý công sản từ chối trả lời với lý do đang bận họp. Hơn nữa, theo ông, vấn đề này thuộc trách nhiệm của các đơn vị bán, Cục Quản lý công sản chỉ là đơn vị tổng hợp trên báo cáo của những cơ quan đơn vị. Cũng theo đánh giá của ông Trần Đức Thắng thì đây không phải là vấn đề lớn, thậm chí là "vớ vẩn".

Xe cũ dưới 50 triệu đồng có hiếm?

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giá thanh lý xe ô tô được "xới" lên. Còn nhớ, 6 tháng đầu năm 2016, các bộ ngành, cơ quan Trung ương cũng đã thanh lý tổng cộng 264 xe ô tô công. Giá trị ban đầu của 264 xe này là gần 80 tỷ đồng, nhưng sau khi thanh lý chỉ thu về có vỏn vẹn 390 triệu đồng. Lấy 390 triệu đồng chia cho số lượng xe trên, tính ra chỉ mất 1,5 triệu đồng là sở hữu được một chiếc xe công.

Bản thân ông Thắng cũng đã chia sẻ trước báo giới rằng: "Ngay sau khi thông tin bán đấu giá 264 xe công gây xôn xao dư luận năm ngoái, chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo gửi các bộ ngành địa phương, yêu cầu chấn chỉnh bán tài sản nói chung và thanh lý xe ô tô nói riêng. Quy định của pháp luật có đủ rồi, các địa phương, bộ ngành nếu làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lý của Nhà nước, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát về việc thanh lý tài sản công này".

Những chiếc xe Toyota đời 1984 có thể được bán với giá dưới 50 triệu đồng
Những chiếc xe Toyota đời 1984 có thể được bán với giá dưới 50 triệu đồng

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí, trên thực tế, giá thị trường của xe thanh lý ở mức dưới 50 triệu không phải hiếm gặp. Chẳng hạn, với dòng Toyota Corona đời 1967 đang được rao bán tại các diễn đàn với giá khoảng 45 triệu đồng/chiếc; Toyota Corona đời 1969 được rao 39 triệu đồng, Toyota Cressida đời 1980 giá 40 triệu đồng; Mazda AZ đời 1975 giá 35 triệu đồng, hay thậm chí một chiếc Nissan Bluebird đời 1975 thì chỉ còn 25 triệu đồng...

Giá xe thanh lý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như hãng xe, dòng xe, đời xe, chất lượng xe, mẫu mã... Đúng như nhận xét của độc giả Ngô Phi Hùng thì rất nhiều trường hợp trong số xe thanh lý đã hết hạn sử dụng, không được đăng ký, đăng kiểm để lưu hành.

Lấy ví dụ, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Cần Thơ hiện đang thông báo việc bán đấu giá 1 xe 5 chỗ nhãn hiệu Toyota, loại xe cứu thương với giá khởi điểm 7 triệu đồng, 1 xe du lịch 4 chỗ cũng với nhãn hiệu Toyota sản xuất năm 1984 với giá 27 triệu đồng.

Địa điểm trưng bày tại Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Hạn xem hồ sơ, đăng ký đến ngày 16/3 và thời gian bán đấu giá vào 15 giờ ngày 20/3/2017 tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm định của 2 xe nói trên đều đã hết hiệu lực và người mua phải tự làm thủ tục đăng kiểm lại và chịu mọi chi phí phát sinh.

Nói thế để thấy rằng, với mức giá bình quân 46,2 triệu đồng/xe thanh lý, trong số đó có thể có những xe gần như không còn giá trị, và tất nhiên, có những xe được bán với giá cao hơn.

Hơn 1.000 chiếc xe được thanh lý, vì sao không nhiều người biết tới?

Còn một vấn đề nữa mà không ít độc giả cũng đang thắc mắc đó là: Vì sao xe công bán thanh lý rẻ và với số lượng nhiều như vậy nhưng người dân lại không nắm được thông tin?

Theo quy định tại Nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ và tại Quyết định số 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, xe ô tô công được thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý là trong những quy định này cho phép, với những trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Tuy nhiên, đơn vị có thể áp dụng hình thức bán đấu giá theo quy định.

Hay nói cách khác, với những xe ô tô đã được định giá dưới mức 50 triệu đồng/xe thì các đơn vị sẽ không bắt buộc phải bán đấu giá, và thông tin bán các xe này không phải công bố công khai rộng rãi.

Nếu như các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện đúng theo quy định thì có thể dễ dàng phỏng đoán rằng, hầu hết số xe công được đưa ra thanh lý trong năm 2016 là rất cũ, bị hư hỏng nặng nên mới được định giá thấp như vậy.

Song, cũng không loại trừ trường hợp, các tài sản này đã cố tình bị "dìm giá" ngay trong khâu định giá, và được bán chỉ định hoặc đấu giá hẹp cho một số đối tượng nhất định, có dấu hiệu lợi ích nhóm, chia chác lẫn nhau. Câu trả lời cuối cùng xin để dành cơ quan chức năng và bản thân những người trong cuộc.

Bích Diệp